Bài viết có 2 phần: câu chuyện kinh tế Việt Nam và có nên tiết kiệm hay không?
(1) Kinh tế Việt Nam, quý một năm 2020, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh:
(a) Các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục, vận tải và dịch vụ; hệ sinh thái doanh nghiệp bổ sung các ngành này cũng chết;
(b) Thương mại và đầu tư trong nước giảm so với cùng thời gian năm 2019; Mặt bằng trả lại, trung tâm thương mại đóng cửa từng phần đến toàn phần; chợ búa vắng người;
(c) Tài khoản vốn (CA)
CA = FDI + PFI + LTL + STL + M&D
Thì FDI và PDI giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái; Chiến lược chỉ đầu tư bằng nhân dân tệ, chứ không phải bằng đô la Mỹ đã bị doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam từ chối. Chiến lược này, nhằm trói buộc thương mại và đầu tư với TQ cho các giai đoạn sau;
(d)Thất nghiệp xã hội tăng cao. Thất nghiệp từ các ngành du lịch, dịch vụ và các ngành ở mục (a). Có các dạng thất nghiệp, như từ làm bán thời gian, làm việc online cho đến mất việc. Người thất nghiệp bắt đầu di chuyển về nông thôn khi không còn nguồn sinh kế ở đô thị;
(e) Nguồn lực chính phủ sử dụng nhiều cho y tế, phòng dịch, chữa bệnh và an toàn xã hội (có hỗ trợ của doanh nghiệp và xã hội hóa tức là theo cơ chế tự trường. Cả 3 cách kết hợp); chính sách tiền tệ có khả năng mất phát huy tác dụng (hạ lãi suất thì doanh nghiệp và người dân đầu tư vào đâu khi thị trường bất định?). Giá vàng tăng là do hành vi người dân chạy trốn nguy cơ lạm phát hay/và khi không còn kênh đầu tư; chính sách tài khóa và tính hữu hiệu, đang được cân nhắc sử dụng về quy mô và cơ cấu (giảm thuế, tăng chi tiêu); chính sách thương mại thông qua tỷ giá và thuế quan; về ngành thì xăng dầu và điện lực cũng hướng tới giảm giá và giữ giá, nhằm mục tiêu ổn định kinh tế.
(f) Chuẩn bị hỗ trợ người nghèo, làm việc trong khu vực dịch vụ; tình hình tội phạm có nguy cơ gia tăng.
(g) Cái đau đớn nhất là mạng lưới kinh doanh (business network) được kiến tạo từ khi hình thành doanh nghiệp, phải gọi là tài sản vô hình của doanh nghiệp, đã bị tan rã khi không còn chi phí duy trì và có thể bị mất dần (đầu vào, đầu ra, người tài, khách hàng). Sau này, khi nền kinh tế phục hồi thì phải kiến tạo lại từ đầu;
(2) Tiết kiệm trong nền kinh tế suy thoái: Đúng hay sai?
Chúng ta có đồng nhất thức tổng cầu (YD) và các thành phần như sau:
YD = I + C + (E-M)
Đầu tư (I) và thương mại (E-M) giảm. Như vậy, số phận của tổng cầu phó thác cho tiêu dùng (C).
Đồng nhất thức tiết kiệm như sau:
S = (Y-T) – C
Muốn tăng tiết kiệm thì hoặc tăng thu nhập, hoặc giảm tiêu dùng, hoặc vừa tăng thu nhập và vừa giảm tiêu dùng. Trong một nền kinh tế suy thoái và khủng hoảng, thì không thể tăng thu nhập, cho nên chỉ còn cách giảm tiêu dùng.
Hành vi cá nhân: Do thất nghiệp hay giảm bớt công việc, một cách hợp lý, thì bạn bắt đầu chi tiêu tính toán hơn, tằn tiện hơn. Hành vi này có thể tốt cho kinh tế gia đình bạn, nhưng rất nguy hiểm và xấu cho nền kinh tế.
Bạn nên nhớ rằng trong nền kinh tế suy thoái và khủng hoảng, bạn tiêu dùng thì tạo thu nhập, tạo hoạt động kinh tế, tạo việc làm cho một tập thể rộng lớn theo số nhân của chi tiêu mà con mắt của giới hạn của chúng ta kẹt vào cái thế giới hiện hữu mà không thấy được, như Wassily Leontief và như John Maynard Keynes đã từng thấy.
Số nhân tiêu dùng = 1/(1-c) = 1 + c + c^2 + c^3 + c^4 + … + c^n. Trong đó c là khuynh hướng tiêu dùng biên.
Người lao động có việc làm, có lương; doanh nghiệp duy trì hoạt động, có lợi nhuận; chính phủ thu được thuế (T =f(Y)) (nguồn thu chính phủ làm hàm số với hoạt động nền kinh tế).
Vòng hai của chu trình kinh tế: Khi người lao động có việc làm thì có tiền đóng tiền học cho con (cô giáo có lương); mua đồ ăn thức uống cho gia đình (các ngành khác bán được hàng, nông dân có thu nhập và công nhân có thu nhập; doanh nghiệp của các ngành liên đới có hoạt động thêm và chính phủ thu thêm thuế.
Vòng ba, vòng bốn, cho đến vòng n. Cứ sau mỗi vòng, từ hành vi tiêu dùng của bạn, thì giá trị giảm dần. Đây là một chuỗi hội tụ, cho nên có thể tính được số nhân tiêu dùng. Khi bạn tiết kiệm thì vòng một không có và dĩ nhiên sẽ không có các vòng còn lại. [tôi cũng tự hỏi mấy cô gái massage đi về đâu? Rồi làm sao họ sống? Khi kinh tế phục hồi, chắc vài tháng nữa, tay nghề còn tốt không ta? Hớt tóc nữa?]
Nếu bạn là nhà yêu nước thực thụ thì bạn nên đem tài sản tích lũy được ra chi tiêu trong lúc này, trên mức bình thường một chút. [tôi nói rằng bạn mà khá giả, mà xài tiết kiệm trong lúc này và đi chùa hay đi nhà thờ, thì chả có trời phật hay chúa nào mà làm chứng cho bạn]. [Các nhà dạy lý luận luôn dạy thực hành tiết kiệm chắc cũng phải lưu tâm đến vấn đề này]. Phong cách chi tiêu tăng dần từ Bắc xuống Nam. Vùng nào trước đây hay có thiên tai hay lũ lụt, hay đất đai khô cằn, thì luôn mang trong mình nỗi lo thường trực, chi tiêu ít lại. Chi tiêu còn tùy vào tuổi tác, khi bạn già yếu thì cũng phòng thân mà chi tiêu ít lại. Các đặc điểm nhân khẩu học khác nữa. Miền Nam thì trời cho khá nhiều, vựa lúa của thế giới, thủy sản, thiên đường trái cây, đất đai màu mỡ nên sống hào sảng, chi tiêu nhiều.
Như vậy, tôi đã trả lời câu hỏi cần phải tiết kiệm trong nền kinh tế suy thoái là sai, mà phải làm ngược lại. Xin xem thêm nghịch lý của tiết kiệm (paradox of thrift or paradox of savings). Có ai đó khuyên bạn tiết kiệm, thì bạn suy nghĩ lại. Tôi biết bạn yêu nước mà. Tuy nhiên, không phải bạn nghe vậy xong, bán bán nhà đi tiêu xài, hết tiền rồi bạn đến gặp tôi. Bạn là con người của Tân Cổ Điển mà (rationality and selfish).
Tôi tâm đắc với một thầy lãnh đạo “tại sao kinh tế nó xấu như thế này, mà các nhà kinh tế không nói gì”. Sẵn ở diễn đàn này, cũng báo với thầy là sẽ có hàng loạt bài ra đời nữa. Các độc giả cố gắng tập thể dục thường xuyên, giữ gìn sức khỏe đón đọc và bình luận.
Thầy Nguyễn Hoàng Bảo – UEH