Tóm tắt đề tài

Việc sử dụng thực phẩm sạch, an toàn là vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng trong đó có rau sạch (hay còn gọi là rau an toàn). Với mục đích đo lường, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến quyết định mua rau sạch của người dân trên bàn thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đã thực hiện đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua rau sạch của người dân thành phố Hồ Chí Minh” với những mục tiêu:

– Xác định, đo lường, đánh giá mức độ ảnh hưởng các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua rau sạch của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

– Đề xuất các kiến nghị dựa trên mức độ quan trọng của các yếu tố ảnh hưởng, giúp cho doanh nghiệp (nhà sản xuất, nhà phân phối) có thể xây dựng được chiến lược phát triển, hoàn thiện hệ thống phân phối, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm…đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Trong việc nghiên cứu tổng quan đề tài, tác giả đã tham khảo một số biến quan sát của đề tài nghiên cứu liên quan để xây dựng mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua rau sạch của người dân thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi tiến hành khảo sát, thu thập dữ liệu, tác giả đã tiến hành nhập liệu và xử lý dữ liệu bằng chương trình SPSS 20. Tác giả tiến hành thực hiện thống kê  nhằm mô tả đặc điểm của đối tượng được khảo sát, sau đó thực hiện phân tích hồi quy đa biến và kiểm định ANOVA giữa các nhóm nhân khẩu học để thu được các kết quả cần thiết cho đề tài.

Dựa trên kết quả mức độ tác động của các yếu tố, tác giả cũng đã đề xuất một số kiến nghị để có thể phát triển đầu ra cho rau sạch thông qua việc tác động và nâng cao kiến thức, hiểu biết của người tiêu dùng về sản phẩm rau sạch, về vệ sinh an toàn thực phẩm đồng thời nâng cao ý thức về sức khỏe dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng bên cạnh mối quan tâm về môi trường sống. Đề tài cũng đã đề cập đến các kiến nghị nhằm góp phần giảm giá thành rau sạch giúp cho người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng mà không phải quá e ngại về vấn đề chi phí. Đây cũng là yếu tố có ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến quyết định rau sạch của người dân.

Mô hình giả thiết nghiên cứu

H1: Kiến thức người tiêu dùng càng cao thì càng tác động tích cực đến quyết định mua rau sạch của người dân.

H2: Giá cả rau sạch càng cao càng tác động tiêu cực đến quyết định mua rau sạch của người dân.

H3: Ý thức về sức khỏe càng cao thì quyết định mua rau sạch của người dân càng cao.

H4: Đám đông xung quanh người tiêu dùng cho rằng sản phẩm rau sạch là tốt càng làm cho quyết định mua rau sạch của người dân tăng lên.

H5: Người tiêu dùng càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường thì quyết định mua rau sạch của người dân càng tăng lên.

H6: Chất lượng của rau sạch càng tốt thì quyết định mua rau sạch của người dân càng cao.

H7: Niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau sạch càng cao thì càng ảnh hưởng đến quyết định mua rau sạch.

H8: Sự bất tiện khi  mua rau sạch càng thấp thì càng làm cho quyết định mua của người tiêu dùng càng giảm.

Mô hình hồi quy:

Ý định = β1*kiến thức + β2*giá cả + β3*sức khỏe + β4*ý kiến + β5*môi trường + β6 *chất lượng + β7*niềm tin + β8*tiện lợi (trong đó βk ­ là hệ số hồi quy riêng phần (k= 1…8)

Kết quả nghiên cứu

Về kết quả nghiên cứu

Sau khi đưa các yếu tố độc lập và phụ thuộc được đưa vào phân tích hồi quy đa biến. Kết quả phân tích hồi quy cho ra mô hình 6 yếu tố tác động đến quyết định rau sạch của người dân thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, 5 yếu tố kiến thức người tiêu dùng, ý thức về sức khỏe, Chuẩn chủ quan, mối quan tâm về môi trường, niềm tin của người tiêu dùng có tác động tích cực đến quyết định mua rau sạch; yếu tố nhận thức về giá cả có tác động tiêu cực. Kết quả phân tích hồi quy đã bổ sung vào hệ thống thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua rau sạch của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Tác giả mong muốn hệ thống thang đo trong nghiên cứu này có thể hỗ trợ các nhà sản xuất và các tổ chức phát triển rau sạch trong việc xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao ý định tiêu dùng rau sạch của người dân. Từ đó, góp phần nâng cao nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và đồng thời với việc giúp giải quyết đầu ra cho rau sạch

Tác động của các biến nhân khẩu học

Tác giả đã nghiên cứu đã xem xét sự khác biệt về ý định tiêu dùng trong 3 biến nhân khẩu học là độ tuổi và thu nhập bình quân hộ gia đình, hộ gia đình khác nhau (không có trẻ em trong gia đình/có trẻ em trong gia đình) của người tiêu dùng. Kết quả phân tích cho thấy có sự khác biệt trong quyết định mua rau sạch giữa các nhóm các nhóm nhân khẩu học, cụ thể là tăng dần theo các nhóm độ tuổi và thu nhập cũng như việc có trẻ em trong nhà.

 Các kiến nghị từ nghiên cứu

Dựa vào các yếu tố tác động đến quyết định mua rau sạch của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau: Những yêu cầu cũng đã được đặt ra là các sản phẩm rau sạch phải có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đa dạng về chủng loại, giá cả phù hợp để có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân. Các nhà sản xuất, hộ nông dân chuyên canh tác, trồng rau sạch cần đặc biệt quan tâm đến việc không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để có thể hạn chế chi phí sản xuất, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, năng suất cao, góp phần gián tiếp hạ giá thành sản phẩm. Từ đó, giúp cho sản phẩm rau sạch dễ dàng đến tay người tiêu dùng hơn.

Kiến thức tiêu dùng, sức khỏe, vấn đề về môi trường, và Chuẩn chủ quan

Người tiêu dùng đánh giá các yếu tố này dựa trên những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân tích lũy được thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sách báo, lời khuyên của các chuyên gia, tổ chức uy tín về dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng… Khi người tiêu dùng nhận thức được về các yếu tố trên càng cao thì ý định tiêu dùng rau sạch của họ càng tăng.

Xét về yếu tố kiến thức người tiêu dùng trong việc sử dụng rau sạch, thực tế cho thấy số đông người tiêu dùng chưa có đầy đủ kiến thức phân biệt rau sạch và rau thường. Người dân thường chú trọng hơn vào hình thức và giá hơn quy trình sản xuất rau; chưa hình thành thói quen mua rau sạch và chưa thấy hết những lợi ích mang lại khi dùng loại sản phẩm này. Chính vì thế kiến thức về rau sạch của người dân cần được chú trọng và nâng cao.

Qua việc tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, và hiểu biết của người tiêu dùng về rau sạch cho thấy gần 90% người tiêu dùng cho rằng rau là thực phẩm quan trọng nhất trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Đặc biệt, sử dụng rau sạch có lợi ích rất lớn đối với sức khỏe.

Các tổ chức, hiệp hội, nhà sản xuất, các hộ nông dân cần thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội chợ, lễ hội nông sản; tổ chức những tour tham quan thực tế tại nơi sản xuất, canh tác để giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các sản phẩm được sản xuất, thu hoạch, đóng gói bảo quản như thế nào trước khi đến tay người tiêu dùng.

Theo tâm lý đám đông, càng nhiều người đánh giá tốt và sử dụng rau sạch trong bữa ăn sẽ kéo theo nhiều người khác có những đánh giá và có ý định sử dụng tương tự. Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hiện nay là “tự nhiên, xanh, sạch, nguồn gốc hữu cơ, và tốt cho sức khỏe”, thì việc sử dụng rau sạch càng trở nên phổ biến hơn.

Thông qua các chương trình truyền thông, hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia uy tín, các cơ quan ban ngành chức năng liên quan cần đẩy mạnh các chiến dịch, hoạt động tuyên truyền sâu rộng và thường xuyên về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp kiến thức sử dụng rau sạch cho người tiêu dùng như cách thức nhận biết, lợi ích sử dụng rau sạch đối với sức khỏe, hay những ưu điểm của quy trình trồng trọt, canh tác rau sạch đối với môi trường xung quanh… Lựa chọn rau sạch là việc làm đúng đắn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và môi trường sống.

Chi phí – Niềm tin của người tiêu dùng

Chi phí đóng vai trò khá quan trọng trong việc hình thành ý định tiêu dùng rau sạch. Nếu người tiêu dùng nhận thức được sự hợp lý giữa chi phí mua và giá trị từ việc sử dụng rau sạch mang lại thì ý định tiêu dùng của họ sẽ cao hơn. Ngoài ra, nếu việc cung cấp sản phẩm rau sạch chứng minh được độ an toàn, tính minh bạch thông tin, quy trình sản xuất đạt chuẩn, chất lượng sản phẩm đảm bảo, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm sử dụng thì họ sẵn sàng mua rau sạch với giá cao hơn.

Các hộ nông dân, nhà sản xuất cần phối hợp để đảm bảo được sự đồng nhất về mẫu mã của sản phẩm, thay đổi các giống rau kém chất lượng bằng những giống cho năng suất, chất lượng cao và được ưa chuộng, từ đó đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Để có thể giảm giá thành sản xuất, giúp cho người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận với sản phẩm mà không phải quá e ngại về vấn đề giá cả, chi phí sử dụng rau sạch; các nhà sản xuất, các hộ nông dân chuyên trồng trọt, canh tác rau sạch cần phải tiếp cận khoa học kỹ thuật, không ngừng tìm tòi, học hỏi các giải pháp, nâng cao chuyên môn, điều chỉnh hợp lý quy trình quản lý, canh tác và đầu tư xây dựng nông trại sản xuất theo công nghệ cao để nâng cao sản lượng và chất lượng của rau sạch, góp phần hạn chế chi phí sản xuất. Từ đó, gián tiếp dẫn đến việc hạ giá thành sản phẩm rau sạch.

Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà phân phối chuyên kinh doanh rau sạch và các nhà sản xuất, hộ nông dân trong việc tiêu thụ rau sạch vẫn còn chưa đồng bộ nên việc phát triển sản xuất rau sạch còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá thành sản phẩm còn cao. Kênh phân phối đa dạng, việc cạnh tranh giữa các nhà phân phối khác nhau có thể giúp cho người tiêu dùng tiếp cận được các sản phẩm rau sạch mong muốn với mức giá tốt nhất. Mối liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối là hết sức cần thiết để đảm bảo được sự xuyên suốt trong quá trình trồng và đưa sản phẩm rau sạch đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh việc cung cấp rau sạch cho hệ thống các siêu thị, cần tập trung phát triển mạnh hệ thống đại lý phân phối sản phẩm rau sạch tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống nhằm cung cấp rau sạch đến tận tay người tiêu dùng với mức giá cả hợp lý và ổn định, có niêm yết giá rõ ràng tạo niềm tin và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần quy hoạch, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích áp dụng quy trình quản lý chất lượng nhằm phát triển vùng chuyên canh rau sạch chất lượng cao. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác nghiên cứu các giống rau sạch cho năng suất cao; các loại thuốc bảo vệ thực vật có khả năng phòng trừ sâu bệnh tốt nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các ban ngành liên quan cần thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn về những kỹ thuật canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng rau sạch cũng như kiểm soát quy trình sản xuất của các nước tiên tiến cho nhà sản xuất, các hộ nông dân chuyên trồng trọt, canh tác rau sạch. Nếu cần thiết, lập hàng rào kỹ thuật cho những nông sản nhập khẩu vào Việt Nam trong đó có rau sạch, góp phần ổn định giá cả và đầu ra cho sản phẩm rau sạch.

Ngân hàng nông nghiệp cần có các biện pháp hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để các nhà sản xuất, hộ nông dân yên tâm xây dựng kế hoạch và phát triển sản xuất rau sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm.