Mấy hôm nay, căng thẳng vì khẩu nghiệp của người đời. Bây giờ thì tôi sưu tầm một chút ngôn ngữ viết lại. Tôi thấy cái biến đổi vi diệu trong ngôn ngữ, chẳng hạn như: nước Ý đã “vỡ trận”, Spain cũng “toang” rồi, hay “giải cứu” thanh long. Lỗ Tấn nói đi nhiều thành đường. Ngôn ngữ hình thành cũng vậy. Tôi không phải nhà ngôn ngữ học, tôi cũng xin mạn phép mạo muội đưa ra một số ý tưởng:

(1) không nên chuẩn hóa tiếng Việt, mà hãy để cho nó tự hình thành, rồi được sàng lọc theo tự nhiên, theo thời gian, theo cái hướng đãi cát tìm vàng. Thí dụ vần điệu trong tiếng Việt. Khi nói nó hay hay làm sao đó, mặc dù nó không có ý nghĩa, chẳng hạn như “buồn như con chuồn chuồn” “đuối như trái chuối” “phê như con tê tê”. Tôi thấy nó có tính giải trí rất cao, hoàn toàn thả lỏng;

(2) Cứ để từ ngữ sang trọng và bình dân cùng tồn tại, thì theo thời gian, ai thắng ai sẽ biết liền. Thí dụ như đi du lịch dã ngoại và đi phượt. Phượt thì là từ ngữ không sang, nó văn minh hơn, gọn hơn (văn minh là tiện ích, sắp đặt cuộc sống tốt hơn, nhưng văn hóa thì thấm đẫm nhân văn và hướng tới giá trị muôn thuở). Tôi thấy và nghe trên các phương tiện đại chúng như, vãi, cực đã, nhục, sung, lộ hàng, tự sướng, bao ngu luôn, tám, diễn sâu, nổ, sửu nhi, chém gió (hình ảnh người nói vừa nói chuyện vừa quơ tay diễn tả, thành một nghĩa khác hoàn toàn là nói xạo). Sĩ phu đất Việt hãy bao dung đi, nó đến và đi nhanh lắm. Càng phô, thì tuổi thọ càng ngắn. Hãy để sự cùng tồn tại “đây là vợ tôi” và “đây là nhà tôi” (trang trọng, yêu quý và lịch lãm). Tồn tại “cha mẹ” và “song thân”. Tồn tại “vợ chồng khắn khít” và “nghĩa phu thê tào khang”. Sẽ đến lúc thế giới showbiz phải giảm bớt thời gian đi sửa sắc đẹp hay tập gym của mình lại, mà đi học lại ngôn ngữ và văn hóa. Không còn là hình mẫu cho thế hệ trẻ được;

(3) dùng sai trong tiếng Việt. “giá áo túi cơm” (chỉ một người vô dụng, giống như cái giá treo áo, và cái túi chứa cơm) chứ không phải “vá áo túi cơm”; từ vấn nạn (động từ) là hỏi khó chứ không phải là vấn nạn tham nhũng (danh từ); từ thủ đoạn (thủ là tay và đoạn là các bước thực hiện), bây giờ phải mang nghĩa xấu và lợi dụng cũng bị y chang như vậy; Thí dụ có một bài hát tựa là “yêu trong niềm xót xa”. Tiếng Việt niềm chỉ cái tích cực (niềm vui, niềm hạnh phúc), mà nỗi thì chỉ cái tiêu cực (nỗi buồn, nỗi bất hạnh). Nhà sáng tác buộc phải đi học rồi. Từ “chảnh” đứng một mình là tiêu cực, mà “sang chảnh” là tích cực. Đồng âm mà dị nghĩa, cho nên dùng cho phải lối, chẳng hạn như “cháy giáo án” (giảng hết giờ rồi mà bài chưa hết), trong khi “cháy chợ” (ra chợ rồi, mà người ta bán sạch trơn). Hay trong đêm tân hôn, chồng nói với vợ là: “Anh sẽ không bao giờ phụ em”. Ngày hôm sau, vợ nhờ, thì chồng nói ngay: “Anh đã nói em ngày hôm qua rồi, anh sẽ không bao giờ phụ em”; Phải dùng là “vô hình trung” (không mong đợi, mà đến tự nhiên) chứ không phải “vô hình dung”; Hoán đổi tùy tiện, chẳng hạn như yếu điểm (là điểm quan trọng) và điểm yếu (là điểm dưới mức trung bình, thuộc loại kém); dùng sai từ sống ảo (không thực) thành cái nghĩa là sang chảnh, quý phái (thường dùng khi chụp hình). Chỗ này thì các nhà ngôn ngữ và văn hóa phải sửa rồi;

(4) Ghép đôi sai. Tôi đi dạy trên 30 năm. Có những sinh viên tiếp thu hơi chậm. Tôi dành nhiều thời gian diễn giải. Khi tốt nghiệp nó tặng tôi 1 chữ thư pháp là nhẫn và tôi cũng được sinh viên tặng chữ tâm. Trong khoa cứ nói sao thầy lại nhẫn tâm (một nghĩa khác). Hay chương trình đuổi hình bắt chữ trên truyền hình, đến tiết mục câu đố khán giả, thì MC nói chữ chó, còn 1 chữ cho khán giả điền vào. Thế là bao nhiêu câu trả lời: chó ngủ, chó ăn, chó sủa và chó chết. MC nhanh nhẩu nói tử tuất. Mấy hôm sau có đơn thưa kiện, vì đã xúc phạm liệt sĩ, đến ban tư tưởng văn hóa. Tử tuất chỉ có một nghĩa duy nhất là chết vì nước; ghép tùy tiện ra nghĩa khác;

(5)Từ ngữ của chiến tranh. Thí dụ “thầy Minh là chiến sĩ thi đua”. Đó là danh hiệu phong tặng. “thầy Bình là cán bộ nòng cốt” (vũ khí trong chiến tranh). “thầy Luật là cán bộ chủ lực” (sử dụng lại cụm từ bộ đội chủ lực). “thanh tra cắm chốt” và nhiều từ ngữ tương tự nữa; Tôi có học trò từ miền Bắc vào, gia đình nghèo. Nó muốn đi ăn trưa cùng tôi, vì ăn ngon hơn và được tôi trả tiền. Nó nói: “Thầy à! Thầy cho em ăn bữa ăn cải thiện trưa nay với thầy?”. Tôi tìm hiểu mới biết là bữa ăn cải thiện là bữa ăn ngon hơn, chứ không liên quan gì đến cải tà quy chính gì ở đây.