(1) Hành vi gần đây của Trung Quốc về biển Đông: TQ xem mình là bên bị hại, và đã đi trước một nước cờ.
Ngày 17/4/2020: TQ gửi công hàm ngoại giao cho tổng thư ký liên hiệp quốc, là ông Antonio Guterres nói: “Việt Nam đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của TQ hòng tạo ra tranh chấp”.
Ngày 18/4/2020: Truyền thông TQ đưa tin nước này đã quyết định thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc thành phố Tam Sa.
Ngày 19/4/2020: Bộ Dân Chính TQ công bố bảng “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm và 55 thực thể địa lý dưới đấy biển ở biển Đông.
Ngày 20/4/2020: Từ Bắc Kinh, ông Cảnh Sảnh, phát ngôn ngoại giao TQ, cho rằng việc thành lập các đơn vị hành chính là “thuộc chủ quyền”.
Ngày 21/4/2020: Trong cuộc họp báo, ông Cảnh Sảnh, phát ngôn ngoại giao TQ, xác nhận đã gửi công hàm cho liên hiệp quốc xác định chủ quyền.
(2) Hành vi trước đây của TQ
Cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2 (2011, 2012)
Đưa dàn khoan 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam (2014)
Xây các đảo nhân tạo trên bãi đá thuộc Trường Sa đã chiếm của Việt Nam (2015)
Xây dựng cột sắt và thả phao ở bãi Amy Douglas (2011)
Chiếm bãi cạn Scarborough (2012)
Cấm đánh cá trong thời gian dài
(3) Mục tiêu của TQ
Mục tiêu dài hạn của TQ làm kiểm soát con đường hàng hải đi từ Trung Cận Đông qua Ấn Độ Dương và đi vào biển Đông (80% lượng dầu của TQ qua con đường này; 1/3 thương mại toàn cầu).
Hành vi pháp lý đơn phương đòi 80% chủ quyền biển Đông.
(4) TQ chỉ hành động khi Hoa Kỳ suy yếu và thế giới bận rộn chống đại dịch toàn cầu
Nếu chúng ta chú ý một chút, thì TQ chỉ hành động khi Hoa Kỳ và Tây Âu bị khủng hoảng (2008 – 2012); do nợ từ chiến tranh Iraq và Afganistan, do các nước bị khủng hoảng kinh tế và do thế giới bận rộn chống đại dịch toàn cầu.
Trong khi các nước đang đối phó dịch, TQ muốn lập lại trật tự biển Đông và khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam bị thách thức ở mức cao nhất.
(5) Hành động của Philippines
Philippines kiện TQ về tranh chấp chủ quyền biển Đông: Philippines làm đơn vào ngày 22/1/2013 tại tòa án trọng tài thường trực (PCA) kiện TQ theo UNCLOS 1982 về việc nước này đơn phương tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò đối với biển Đông.
Ngày 29/10/2015: Tòa án trọng tài thường trực đã xác định thẩm quyền xét xử của mình về vụ kiện này cho dù TQ từ chối tham dự cuộc phân xử.
Phán quyết cuối cùng của tòa án trọng tài thường trực được công bố vào ngày 12/7/2016 là tòa án tuyên bố Philippines thắng kiện TQ về tranh chấp chủ quyền biển Đông.
Tòa nhất trí rằng TQ không có “các quyền lịch sử” dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Ngoài ra, việc xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và TQ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.
(6) Lựa chọn của Việt Nam: Từ bậc thấp nhất đến bậc cao nhất
1) Không có phản ứng gì cả
2) Ra công hàm phản đối song phương và đa phương (Liên Hiệp Quốc)
3) Kiện ra tòa án quốc tế
4) Hành động tự vệ một cách kiềm chế, tránh xung đột leo thang
5) Kiên quyết bảo toàn chủ quyền, không có bất cứ một sự nhân nhượng nào.
Việc xung đột song phương mà ra công hàm phản đối cũng giống như không làm gì cả. TQ sẽ vừa giữ cho xung đột đủ nhỏ để mang tính song phương, mà quốc gia bị xâm hại ít làm gì được để thay đổi cục diện; vừa xung đột liên tục và đều khắp để biến sự việc đã rồi thành quyền kiểm soát. Chúng ta còn lạ gì với thủ đoạn đã sử dụng mấy chục năm nay.
Hiện nay, chúng ta chọn giải pháp thứ hai, sẽ ra công hàm phản đối đa phương. Với tư cách là chủ tịch ASEAN thì khó gặp gỡ để ra công hàm phản đối đa phương trong mùa dịch này. Vấn đề đoàn kết trong khối cũng được đặt ra. Chúng ta sẽ nghĩ đến giải pháp thứ ba. Ở giải pháp thứ ba, chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử.