Trong nhân gian, thế giới vật chất có người canh chừng và không canh chừng; có những cái độc hại cho thân thể, nhưng cũng có những cái độc hại cho tinh thần. Hôm nay, cho phép mình bàn một chút về ba loại độc cho tinh thần và cho tâm.

Tham

Tham là sự đắm say, sự ham muốn, sự đam mê một điều gì đó. Ngày xưa, mình có nghe câu chuyện dân gian “ăn khế, trả vàng”, vì tham lam lấy nhiều vàng, mà con chim không bay nổi, đành phải bỏ người em và túi vàng giữa biển khơi. Đó chỉ mới là tham “tài”.

Cốt lõi của lòng tham nằm ở năm nhu cầu của con người:
(1) Tài (tài sản);
(2) Sắc (sắc đẹp, hình thức bên ngoài);
(3) Danh (danh thơm, tiếng tốt);
(4) Thực (ăn uống); và,
(5) Thùy (ngủ nghỉ).

Khi ham muốn về một trong những thứ này dâng lên cao hơn mức bình thường, con người sẽ nảy sinh lòng tham và được hiển hiện với những hành động, lời nói của mình. Nhưng tham lam không phải là bản chất của con người. Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Con người sinh ra thuần khiết như tờ giấy trắng, trái tim nhân hậu và lương thiện vốn có. Lòng tham lớn dần lên theo năm tháng, qua những “va chạm” mà mỗi người gặp phải. Người không biết tiết chế lòng tham thì lòng tham cứ lớn dần mãi lên, đưa lối dẫn đường đến những hành động sai trái.

Người không tham muốn thì được thành tựu tốt đẹp sau đây: Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại; người trung thực được mọi người yêu quý, tin tưởng và đề bạt; và những sự tốt đẹp sẽ đến với mình, thậm chí mình cũng không mong ước hay nghĩ đến, mà tự nhiên nó đến bất ngờ.

Sân

“Sân” là cơn giận, lòng giận dữ, nóng nảy, thù hận khi không vừa lòng, không được thỏa thích như ý muốn. Bất bình vì bị xúc phạm, qua đó làm những chuyện sai trái. Sau cơn giận, thời giữ lại lòng oán ghét tìm dịp mà trả thù.

Sở dĩ sân sinh phát sinh là do lòng yêu thích “cái ta” hay thích “cái của ta”. Nếu người ta mắng nhiếc, chê bai kẻ nào khác thời ta không thấy giận, nhưng nếu ai chửi bới hoặc khiển trách ta hay người thân của ta, hoặc làm tổn hại tài sản của ta lập tức ta cảm thấy khó chịu ngay. Khi sự khó chịu tăng dần thì sẽ trở thành nóng giận.

Ví dụ minh họa 1: Người ta đã vô tình đặt một tảng đá to lên chân một người tu sĩ theo chữ “sân”. Hẳn là rất đau và có thể làm người ta nóng giận la lên.

-Vị tu sĩ nhẹ nhàng nói: “Coi chừng gãy chân”.

Sau đó mọi người đã vô tình làm cho chân người tu sĩ gãy.

-Vị tu sĩ vẫn nhẹ nhàng nói mà gương mặt vẫn bình thảng: “Hồi nảy có nói rồi! Coi chừng cái chân gãy và bây giờ đã gãy rồi”.

Phản ứng của người tu sĩ này làm như cái chân không còn thuộc về ông ta nữa. Ông đã không còn “sân” nữa. Loại thuốc độc này ông đã miễn nhiễm hoàn toàn.

Ví dụ minh họa 2: Trong lớp học có một bạn mất cái Ipad. Sự hoài nghi phát sinh trong lớp. Thầy giáo nói các em nhắm mắt lại. Sau 15 phút, thầy cầm Ipad trả lại cho bạn bị mất.

Mấy ngày sau, trò A đến gặp riêng và nói là: “Em cám ơn thầy đã không nêu tên em trên lớp là thằng ăn cắp. Em hứa với thầy không bao giờ như thế nữa. Em đã cùng đường, má em bị bệnh, cần thuốc uống, mà trong nhà không còn một đồng nào.”.

Thầy ôn tồn nói: “Thật ra, thầy cũng chẳng biết trò nào lấy nữa. Mà thầy cũng chẳng cần biết để làm gì. Thầy cũng đã nhắm mắt để tìm Ipad trong cặp và trong ngăn kéo. Giữa các em không biết ai lấy và thầy cũng vậy.”.

Bài học từ người thầy là không “sân” và là “vô ngã”. Thầy đã hiểu và xử sự không cái “tôi” ở đây. Chúng ta luôn nói rằng phải làm như thế này, phải làm như thế kia, mới đúng ý của tôi, mà ít ai nói: “không có cái tôi, không có cái ta, tất cả do nhân duyên tụ hội”. Trí tuệ nằm ngay ở chỗ này, mà ít người nhận ra.

Làm thế nào kiềm được cơn nóng giận?

Trong ngắn hạn, bạn thay đổi không gian (lấy xe chạy một vòng Sàigòn, đi bộ ra chợ hay trung tâm). Cơn giận và kể cả niềm vui, là một giao động tắt dần theo thời gian. Thời gian cho đến khi tắt dần, tùy thuộc vào từng người. Trong cơn giận không nên nói một lời và càng không làm một quyết định gì cả. Lúc ấy, cảm tính trỗi dậy mãnh liệt lấn át hết lý tính.

Còn một cách khác, bạn hãy chạy về phòng ghi vào cuốn tập: “Tổ cha mày! Mày là thằng khốn nạn nhất thế gian”. Cũng tương tự cho những lần nóng giận. Cuối tháng, bạn xem lại cuốn tập này. Nếu những lời này đến với họ, họ sẽ bị tổn thương. Sự tổn thương có thể không khôi phục lại như ban đầu vốn có. Cũng may quá, mình đã gom hết vào đây. Đó là phép “tịnh khẩu”.

Trong dài hạn, bạn phải tập luyện để không nóng giận. Bạn phải tập hít thở sâu, uống nước thành ngụm nhỏ, nói chuyện chậm rãi rõ ràng, đi đứng từng bước vững chải.

Si

Si là si mê, vô minh, ngu tối. Người vô minh không sáng suốt, không suy xét hiểu biết đúng lẽ phải, đúng sự thật để phán đoán việc hay dở, tốt xấu, lợi hại, cho nên mới làm những điều tội lỗi, có hại cho mình và người.

Si, vô minh theo thế tục gọi là “dại” hay “ngu”. Vô minh che lấp tâm trí, làm cho con người không còn nhìn thấy được những chất bợn nhơ đang gậm nhấm từ bên trong con người, khiến các thói hư tật xấu ấy sẽ tăng dần và cuối cùng đưa con người vào con đường tội lỗi triền miên. Người “si” có thể tin vào điều giả dối và bác bỏ điều chân thật.

Cố gắng học hỏi mỗi ngày một chút, thì khả năng rơi vào trạng thái “si” thấp nhất có thể.