Tôi có chuyến công tác ở An Giang trong tháng 5/2020. Trên đường thấy những người làm đường sá. Họ khuân vác quá nặng nhọc giữa trời nắng gắt 41 độ C. Họ có thể không có nhiều cơ hội để lựa chọn việc làm. Tôi chỉ thấy có một cái “khổ” đó là khổ cái thân, cái thể xác mà con người phải chịu đựng. Bên cạnh đó, còn nỗi khổ tâm, chẳng hạn như lo lắng, bất an, giận dữ, si mê, tham lam và những cái khác mà tôi suy nghĩ đến.

Tôi mới đi tìm hiểu về một chữ “khổ”. Hôm nay, tôi xin phép mọi người để bàn về cái “khổ”. Tôi viết những dòng này với một hy vọng là, có ai đó trong chúng ta và kể cả tôi, có lúc nào đó rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khốn cùng, có thể đọc nó như một cứu cánh, để hóa giải cái khổ và an lạc hơn.

Quy luật hợp–tan không hẳn là khổ

Ngày xưa, lúc ở tuổi 20, tôi sinh sống ở nhà bà ngoại. Bà mất, ở thời điểm ấy, tôi đau đớn đến khốn cùng. Thiên đường của tôi khép lại. Người giúp việc luôn nấu canh khổ qua cho tôi ăn và nói: “khổ rồi cũng sẽ qua theo thời gian”.

Lớn lên một chút, tôi chiêm nghiệm thấy rằng “niềm vui và nỗi buồn” của quá khứ sẽ nguôi ngoa theo thời gian, chứ không như giữ nguyên hiện trạng như ở thời điểm tiếp nhận thông tin ban đầu. “niềm vui và nỗi buồn” là một giao động tắt dần theo thời gian. Tùy theo thể trạng và nội tâm của từng người, mà thời gian giao động tắt dần khác nhau. Như vậy, thời gian là phương thuốc để giảm “niềm vui và nỗi buồn” của quá khứ.

Hơn nữa, những cái mới phát sinh liên tục, môi trường xung quanh thay đổi, say mê công việc, quỹ thời gian hạn hẹp của một kiếp nhân sinh, tất cả những cái đó tràn ra, lấp đầy, làm cho chúng ta không còn thời gian để suy nghĩ quá nhiều về quá khứ. Tôi phát hiện thêm là số lượng công việc, chất lượng công việc, cường độ làm việc, tốc độ thay đổi môi trường xung quanh cũng làm giảm “niềm vui và nỗi buồn” của quá khứ. Tôi chưa kể những “niềm vui và nỗi buồn” phát sinh thêm.

Ngoài ra, cuộc đời còn có các loại khổ khác nhau:

(1) ghét nhau mà ở chung với nhau là khổ; Chúng ta nên tránh né, hạn chế, giảm thiểu đến mức cho phép;

(2) khổ vì hạnh phúc giả tạm của thế gian vốn dĩ là vô thường; tất cả những gì mà chúng ta bắt gặp là khoảnh khắc qua mau;

(3) Khổ vì nỗi khổ đến nhiều lần như “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”; nỗi khổ đến với ta theo một chuỗi, chứ không phải một lần;

(4) khổ vì sự thăng trầm của cuộc sống, cao trào rồi đến thoái trào, thành công rồi đến không thành công và thất bại;

(5) hội ngộ rồi chia ly (như đã trình bày bên trên) và tận cùng nỗi khổ là cái chết.

Những cái khổ đó là khổ đế hay là chân lý về sự khổ. Khổ đế là chân lý thứ nhất. Chữ đế (諦) bao gồm chữ “ngôn” (言) và chữ “vua” (蒂). Vua mà nói thì không ai có thể tranh cãi.

Đau khổ của chúng ta chỉ trở thành thành khổ đế, nếu mình biết ôm lấy nó, nhìn sâu vào nó mà hóa giải chuyển hóa thành an lạc. Nếu mình không làm được như vậy, thì đau khổ vẫn là đau khổ và mình bị chết đuối trong biển khổ.

Chữ khổ (苦) là “cay đắng”. Trái khổ qua là trái mướp đắng. Trái nghĩa với khổ là hạnh phúc. Hạnh phúc ngọt ngào; đau khổ là cay đắng.

Sau khi mình nhận biết đau khổ của mình, mình cần phải nhìn sâu vào nó để xem nó như thế nào đến được. Mình cần nhận biết và xác định các loại thức ăn gì, tinh thần và vật chất gì đã nuôi dưỡng cái khổ trong người mình và cái “khổ” lớn lên như thế nào.

Có bốn loại dinh dưỡng có thể dẫn đến hoặc hạnh phúc hoặc khổ đau trong chúng ta. Tùy chúng ta tiếp nhận chúng, đó là (1) thức ăn nuôi cơ thể, (2) cảm xúc, (3) ý định, và (4) ý thức. Chúng ta tìm căn nguyên, cội nguồn của khổ để có thể hóa giải nó.

(1) Thức ăn nuôi cơ thể

Những gì mà mình ăn hoặc uống vào đều có thể mang lại đau khổ hoặc lành mạnh về tâm hoặc thể chất. Mình phải có khả năng phân biệt giữa cái gì lành mạnh và những gì hại. Chúng ta cần phải thực hành ngay khi đi siêu thị mua hàng, ngay khi nấu ăn và ngay khi ăn.

Ví dụ một: Một cặp vợ chồng trẻ và đứa con hai tuổi của họ cố gắng vượt qua sa mạc, giữa đường họ hết thức ăn. Suy nghĩ thật lâu, hai vợ chồng nhận ra rằng, để sống không cách gì hơn là họ phải giết con trai của họ để ăn thịt.

Hai vợ chồng ăn một chút thịt con mình mỗi ngày và phần còn lại gánh trên vai để làm thức ăn khô cho những ngày sau, họ sẽ sống để ra khỏi sa mạc. Khi họ ăn mỗi miếng thịt của con mình, cặp vợ chồng trẻ đã đau khổ và khóc rất dữ.

Sau khi kể câu chuyện này, các bạn sẽ cho rằng họ không thể nào thích thú khi ăn thịt con trai của họ. Bạn hoàn toàn đúng. Để tồn tại, họ đã không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, nhiều người ăn thịt của người thân và kể cả con cháu của họ mà họ không hề biết đến. Có những khổ đau bắt nguồn từ việc tiêu thụ thức ăn. Mình phải học cách ăn để giữ gìn sức khỏe và có lợi cho cơ thể và tinh thần của mình. Khi mình hút thuốc là mình đã ăn phổi của mình, khi mình uống rượu là mình đã ăn gan của mình, khi mình hoạt động tình dục quá mức là mình đã ăn thận của mình hoặc khi ăn những thực phẩm độc hại là mình ăn trái tim của mình. Nếu mình có con, có cháu mà mình tiêu thụ thực phẩm độc hại như vậy thì mình cũng đang ăn thịt con em mình, bởi vì con cháu luôn mong muốn mình được khỏe mạnh. Mình đã làm họ đau khổ, tổn thương họ.

(2) Cảm xúc (色)

Loại thực phẩm thứ hai nuôi thân và tâm của chúng ta là những cảm xúc do giác quan đem lại. Sáu giác quan của chúng ta gồm có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (thân xác) và ý (ý tưởng), chúng thường xuyên tiếp xúc với đối tượng bên ngoài và tiếp xúc tạo ra thức ăn nuôi tâm ý của chúng ta. Khi mình đi xe máy qua những thành phố lớn như Sàigòn, Đà Nẵng, Hà Nội, mắt của mình sẽ được thấy rất nhiều biển quảng cáo, và những hình ảnh đó thâm nhập vào ý thức của mình. Những bảng quảng cáo bia rượu, các cô gái đẹp, phim ảnh bạo lực và những cái khác. Khi mình đọc một cuốn tạp chí, các bài báo và trang quảng cáo là thức ăn nuôi tâm thức của mình. Quảng cáo kích thích ham muốn của mình sở hữu đối tượng, tình dục. Và những thực phẩm đó có thể gây độc cho mình. Phim ảnh là thức ăn cho đôi mắt, đôi tai, tâm trí của mình. Nếu mình đang xem phim với các chương trình bạo lực, đồi trụy, thì mình đang thu nạp những hạt giống tiêu cực của tham ái, sợ hãi, giận dữ và bạo lực trong đó.

(3) Ý định (行)

Loại thực phẩm thứ ba nuôi tâm chúng ta là ý chí, ước muốn. Mong muốn chúng ta có được điều gì đó. Ý chí là nền tảng của tất cả các hành động của chúng ta. Nếu mình nghĩ rằng mình chỉ hạnh phúc khi đã trở thành giám đốc của một công ty lớn, thì tất cả mọi việc mình làm, mọi việc mình nghĩ đều hướng vào thực hiện mục tiêu đó. Ngay cả khi mình ngủ, ý thức của mình vẫn tiếp tục làm việc đó. Hoặc giả sử chúng ta tin rằng tất cả đau khổ của chúng ta và sự đau khổ của gia đình chúng ta đã được mang lại bởi một người nào đó.

Mọi người đều muốn được hạnh phúc, và có một năng lượng mạnh mẽ trong mình thúc đẩy mình hoàn thành mơ ước đó. Nhưng mình cũng có thể phải chịu rất nhiều khổ đau vì điều này.

Tôi biết một người phụ nữ, người này dạy ở một huyện vùng xa, của tỉnh nghèo Bến Tre. Cô ta là một phụ nữ bình thường, ngoại hình không đẹp và tính tình cũng không có duyên lắm. Cô ta vẫn còn là con gái mặc dù 40 tuổi. Cô ta muốn có chồng. Chồng của cô phải đẹp trai như diễn viên Hàn Quốc, giàu có như tỷ phú và khỏe như vận động viên quốc tế và nhiều cái khác nữa. Nếu tôi được tư vấn cho cô ấy, tôi sẽ nói cô ấy, em là giáo viên, em nên tìm người đàn ông là một giáo viên; em lương tháng 10 triệu, thì em nên tìm một người đàn ông lương tháng 10 triệu; nếu em có nốt ruồi và sẹo trên khuôn mặt của em, thì em nên tìm người đàn ông có nốt ruồi và sẹo trên mặt. Với suy nghĩ như vậy, em kiếm được chồng. Em không nên sống trên mây.

Chúng ta cần nhận thức rằng chức vụ, trả thù, tiền tài, danh vọng, của cải, thường xuyên trở ngại cho sự an lạc của mình. Mình cần phải thoát ra những ước muốn đó để được tự do tận hưởng những điều kỳ diệu của cuộc sống, vốn luôn sẵn có, bầu trời xanh, cây cối, con cái xinh đẹp của mình.

Ví dụ hai: Một người nông dân, có vẻ rất đau khổ, đi ngang qua chợ và hỏi: “Mọi người ơi, có người nào thấy đàn bò của tôi đi ngang qua không? Tôi thật là bất hạnh”.

Thầy tu hỏi người nông dân: “Có chuyện gì xảy ra?” và người nông dân nói: “Sáng nay, tất cả mười hai con bò của tôi chạy mất. Và năm nay toàn bộ vườn tiêu của tôi khô cạn mà chết”.

Thầy tu quay sang mọi người ở chợ và nói: “Các bạn có biết mình là người hạnh phúc nhất trên trái đất không? Các bạn không có bò, không có vườn tiêu chết”.

Mình luôn cố gắng để tích lũy nhiều hơn và nhiều hơn nữa, và mình nghĩ rằng những “con bò” là rất cần thiết cho sự tồn tại của mình. Trong thực tế, chúng có thể là những trở ngại ngăn cản sự an lạc của mình. Thả con bò của mình ra và vườn tiêu nữa và mình trở thành một người tự do.

(4) Ý thức (識)

Các loại thực phẩm thứ tư là ý thức. Ý thức của mình bao gồm tất cả các hạt giống được gieo bởi những hành động trong quá khứ của mình và những hành động trong quá khứ của gia đình và xã hội của mình. Mỗi ngày mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động chảy vào biển của ý thức mình và tạo ra ý thức. Mình có thể nuôi dưỡng ý thức của mình bằng cách thực hành tình thương, niềm vui và sự thanh thản, hoặc mình có thể hại ý thức của chúng ta với lòng tham, sân, si, nghi ngờ, và ngạo mạn.

Ý thức được nuôi dưỡng cả ngày và đêm, trở thành bản chất của mình. Mình phải rất cẩn thận thực phẩm nuôi dưỡng ý thức.

Ghi chú:

Ngũ uẩn (五蘊) cũng gọi là ngũ ấm (五陰), là năm nhóm tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Uẩn là sự tích tụ, kết thành các yếu tố. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái “ta”.

Ngũ uẩn là:

(1) Sắc uẩn (色), chỉ sự nhận biết sáu giác quan hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác và ý tưởng), do tứ đại chủng tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa.

(2) Thọ uẩn (受), tức là toàn bộ các cảm giác, cảm nhận sự thay đổi chung quanh, mà không phân biệt chúng là dễ chịu (lạc), khó chịu (khổ) hay trung tính (phi lạc và phi khổ).

(3) Tưởng uẩn (想) là nhận biết sự khác biệt, như là màu này khác màu kia, mùi này khác mùi kia.

(4) Hành uẩn (行), hành là ý định, toan tính, suy tư, cân nhắc trước một quyết định. Hành bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác.

(5) Thức uẩn (識) là sự nhận thức nhờ mặc định, mặc định cái này chua, mặc định cái kia đắng, mặc định cái nọ màu đỏ, mặc định cái kia nóng, cái này lợi, cái kia không lợi. Đây cũng là bước chuyển tiếp của tưởng uẩn và hành uẩn, từ sự cảm nhận sự khác biệt rồi suy tư cân nhắc xem mức độ khác biệt như thế nào, cho đến định nghĩa sự khác biệt bằng những danh từ hay tên gọi cho từng sự vật, sự việc, hiện tượng.

Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc của người. Đặc tính chung của chúng là vô thường, vô ngã và khổ. Khổ xuất phát từ lòng ham muốn, do không hiểu sự vô thường của ngũ uẩn; và con người được tạo thành từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái “ta” thật sự đứng đằng sau con người đó (vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến sự giải thoát.

Theo nhà phật thì “Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẻ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng”.

Joseph Goldstein cũng viết: “Cái mà chúng ta gọi là cái ta chỉ là ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ.”

Ngũ uẩn nếu không điều hòa cũng tạo ra khổ. Một trong những yếu tố của năm uẩn như giận buồn, lo lắng hay năng lượng trong thân thể, nếu nó lên nhiều quá thì nó làm mình khổ.