Mỹ học là khoa học của cái đẹp từ cảm nhận con người. Tư tưởng mỹ học hình thành rất sớm, nhưng mỹ học trở thành môn khoa học độc lập thì chỉ mới gần đây. Nó được tách ra khỏi nghệ thuật và triết học. Bài này chỉ nêu những vấn đề cơ bản nhất của mỹ học.

Trung Quốc cổ đại, nhạc luận, xúc động từ trong tâm sinh ra và phát ra, đã đưa ra tư tưởng “hòa” và “đồng”. Đồng là đồng nhất. Còn “hòa” là hai yếu tố đối lập thống nhất với nhau. [chú ý chữ hòa này trong vật chất, chứ không phải chữ hòa trong bài “hòa và hợp” trong nhân văn]. Chữ hòa trong âm nhạc như sự trong và đục; lớn và nhỏ; ngắn và dài; mềm và cứng và nhiều cái khác nữa, đều tương phản và tương thành. Về hội họa thì thời Đông Tấn đã có Cố Khởi Chi đề xuất lý luận “dĩ hình tả thần”. Về sau, đời Nam Tề có Tạ Hách đưa ra Lục pháp, trong đó có lý luận “khí vận sinh động”. Tất cả là “vẻ đẹp” sớm nhất và sơ khai nhất của phương Đông.

Lão Tử từng nói:” Thiên hạ đều biết mỹ là mỹ, thì đã có xấu rồi”; cũng như mọi người đều biết: “Thiện là thiện thì đã có sự bất thiện rồi”. Như vậy, cái đẹp và cái thiện, không cần cho ai biết đến, mới có thể giữ được nguyên thủy của nó.

Điều này có lẽ tương phản với cái đẹp ngày nay là “đẹp khoe, xấu che”. Tôi có thấy các cô hoa hậu, người mẫu, diễn viên và ca sĩ đi “thực tiễn” từ thiện thăm ngôi trường trẻ em mồ côi. Mục tiêu là cho thiên hạ thấy là họ, chẳng những đẹp về thể xác lẫn tinh thần. Cả đoàn tham quan hàng trăm người, ráp tùng với báo chí, truyền hình, truyền thanh, quay phim, chụp hình, tạo dáng các kiểu, với các em xong, đến khi về chỉ để lại vài thùng mì gói và 5 triệu đồng. Thứ nhất, đẹp mà cho người ta thấy là đã là bớt đẹp rồi. Thứ hai, nhân dáng và nhân tính không đi tương xứng.

Hay buổi đấu giá tranh cầu truyền giữa 3 miền Bắc, Trung, Nam, để lấy tiền thay giác mạc cho trẻ em khiếm thị. Các doanh nghiệp thay nhau đặt giá bức tranh lên đến tiền tỷ, nhưng sau cùng, không một doanh nghiệp nào lấy bức tranh nào cả, mà gửi cho ban tổ chức vài chục triệu. Tên của họ, tên công ty của họ được xứng lên trên truyền hình giờ cao điểm, mà chỉ tốn vài chục triệu đồng. Các doanh nghiệp này vô hình trung trở thành những tên “sát thủ hy vọng” của các em. Các em thì chẳng bao giờ thấy được ân nhân của mình.

Chân, thiện, mỹ là vẻ đẹp toàn bích.

Chữ chân: Khía cạnh thứ nhất, nói về “chân” thì có hai nghĩa, một là chân thật, hai là chân lý.

Nếu sống trung thực thì trong cách đối nhân xử thế sẽ không quan hệ giao tiếp chỉ bằng hình thức, mà bằng cả tấm lòng chân thành, không giả dối, không hư ngụy. Chân thật còn là trạng thái chân chất, hồn nhiên, trong sáng tự cõi lòng mỗi người. Chúng ta cần tu tập để gột rửa vô minh, phiền não và trở về sống hồn nhiên, trong sáng, trạng thái đó gọi là chân.

Ví dụ một: Hoa Kỳ chỉ có 300 năm lập quốc, mà dạy và học chữ “chân” cho trẻ con. Ông bố, người bạn của bố và người con đi xem xiếc.

Ông bố đến phòng vé và nói: “Bà làm ơn cho tôi 3 vé”.

Bà bán vé quan sát và nói: “Ai đâu mà mua 3 vé?”.

Ông bố nói: “Tôi, bạn tôi và con tôi”.

Bà bán vé tiếp tục nói: “Ông có xem thông báo chưa, trẻ em dưới 8 tuổi không phải mua vé? “.

Ông bố nói: “Con tôi 9 tuổi”.

Bà bán vé nói: “Cái này là do ông nói ra, tôi mới biết, chứ tôi nhìn thằng bé chừng 7 tuổi”.

Ông bố nói: “Tất cả mọi người có thể không biết, nhưng bản thân con tôi, nó biết. Bà cứ cho 3 vé”.

Văn hóa Pháp chỉ có khái niệm tham và không tham, chứ không hề có tham ít hay tham nhiều.

Tiếp theo là chân lý của cuộc sống mà tất cả mọi người đều hướng đến. Chẳng hạn, nói về các pháp là vô thường, giả tạm, duyên sinh, vô ngã, con người có sanh phải có tử, có hợp phải có tan, có còn phải có mất, đó là chân lý không bao giờ thay đổi. Chúng ta cần phải hướng về lẽ chân thật, thoát khỏi mê lầm, không còn vô minh tăm tối, biết thân này là bất tịnh, cuộc đời này như giấc chiêm bao mà hướng đến ánh sáng chân lý. Trong ba khía cạnh toàn bích của cuộc sống, chân thiện mỹ, trước tiên phải đạt đến lẽ chân. Chân lý vô thường, duyên sinh, vô ngã, giả tạm của cuộc sống là như thật nên cần thắp lên ngọn đèn trí tuệ để không sai lầm, không còn mê lầm giữa thật với giả. Theo quan niệm thế gian, những gì tồn tại đều là thật nhưng thực ra là giả, vì tất cả đều là vô thường, duyên sinh, bằng những yếu tố khác nhau kết hợp lại, phải vay mượn nhiều yếu tố, nhiều nhân duyên và nhiều điều kiện để tạo thành, nên có mặt một cách giả tạm, sau một thời gian thì tàn phai. Con người được sanh ra rồi chết đi, có hợp rồi có tan, có sanh thì có diệt, có còn thì phải có mất, đó chính là lẽ tự nhiên. Cho nên người nào quên được cái giả thì sẽ sống được gần với cái thật, mà sống với cái chân thật thì sẽ không còn mê lầm với cái giả tạm nữa. Vì thế, chúng ta cần phải khéo léo nhận biết giữa cái giả tạm và cái chân thật. Người chưa biết tu thì thấy thân này là mình, nhưng khi nghe quý thầy thuyết pháp thì hiểu được thân này là vay mượn các yếu tố đất, nước, gió, lửa hợp thành, nếu rời các yếu tố đó thì chẳng còn tồn tại. Con người đến với cõi đời là mang thân tạm đến cõi tạm, không thể trường sinh bất tử được. Đạo lý này khuyên nhủ, nhắc nhở và thức tỉnh chúng ta đừng quá mê muội rồi tạo nghiệp mà thọ khổ triền miên.

Khi thấy được cái giả của thân, của tâm, của cảnh thì hiểu được đạo lý, hiểu được ý nghĩa của chân thật, sẽ sống bằng tình thương và lòng nhân ái đối với mọi người.

Ví dụ số hai: Mẹ chồng nhận tin là con trai mình tử trận. Bà giấu tin này, không cho con dâu, đang mang thai, hay biết. Bà chỉ muốn con dâu và cháu bà, hạnh phúc thêm giây phút nào, thì mừng giây phút ấy.

Con dâu cứ hỏi mẹ chồng: “Sao lâu quá ảnh không viết thư về hả mẹ?”.

Mẹ chồng nói: “Chắc là nó di chuyển nhiều nơi, cho nên nó không có thời gian viết thư cho con và cho mẹ”.

Mẹ chồng qua nhà hàng xóm, nhờ người hàng xóm ngụy tạo một cái thư giả và bà luôn để cho con dâu mình nhận thư và đọc thư.

Cô con dâu nhận thư, đọc xong, mừng rỡ, khoe với mẹ mình: “Ảnh mới gửi thư về nè mẹ, anh hỏi thăm con và mẹ, hỏi cả bé nữa, ảnh nói nếu nó là con gái sẽ đặt tên cho nó là Hạnh Phúc và nếu là con trai sẽ đặt tên nó là Hòa Bình. Tất cả những cái tên là khao khát của ảnh đó. Con vui lắm.”

Điều duy nhất trong lúc này, bà chỉ muốn “mẹ tròn con vuông”. Hàng đêm, khi để con dâu ngủ, bà chỉ quay mặt vô tường và khóc một mình.”.

Khía cạnh thứ hai, “thiện” là gì? Thiện là một đời sống hiền thiện, làm lành tránh ác. Con người biết hướng thiện thì được người đời hâm mộ, nể trọng và quý kính. Điều thiện giúp mọi người sống có lương tâm, lương tri. Chính cái thiện tạo cho con người biết độ lượng bao dung, biết tha thứ và thông cảm, biết che chở, đùm bọc và cưu mang. Nhờ lẽ đó, con người làm được mọi hạnh lành, xây dựng cuộc sống tươi đẹp và trở nên nhân hậu. Nếu cuộc đời không có cái thiện thì con người sẽ sống tà ác, xã hội loài người ngày càng rối ren.

Hướng tới cái thiện là hướng tới lương tâm, lương tri và lòng trắc ẩn. Nhà phật dạy ta 10 điều thiện đó là thân tam, khẩu tứ, ý tam. Thân tam là không sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Khẩu tứ là không lưỡng thiệt, ác khẩu, vọng ngôn, ỷ ngữ. [hai lưỡi, lời ác, nói dối, thêu dệt]. Ý tam là không tham, không sân, không si.

Ví dụ thứ ba: Khi qua cầu Mỹ Thuận, thì đến cái ngã ba. Một hướng đi vào Vĩnh Long. Một hướng đi Cần Thơ. Ngay ngã ba này xưa kia rất là mất an ninh, giang hồ tứ chiến. Thiền sư Thích Thanh Từ đã về đây, quê của thầy khi còn là người chèo đò, xây chùa và mời mọi người đến giảng dạy phật giáo. Sau một thời gian, nơi đây trở thành vùng đất an ninh nhất.

Đạo Nho hướng mọi người tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nếu không tu thân thì dễ trở thành người tà ác, hung hiểm và làm cho người khác sợ hãi tránh xa. Trong gia đình, nếu mọi người biết tu thân thì mới tề gia và từ đó sẽ hạnh phúc an vui. Ngoài xã hội có trị quốc thì mới có bình thiên hạ. Lý tưởng của đạo Nho khuyến khích mọi người làm người quân tử để tu tâm thì mỗi người phải biết sống có hiếu, biết ăn ở hiền lương, có tư cách đức hạnh, biết cách ứng xử đẹp trong cuộc sống.

Khía cạnh thứ ba, nói về “mỹ” tức là vẻ đẹp. Con người có chân thật, có thiện mà không có đẹp thì cuộc sống khô khan chưa được gọi là toàn bích. Cái đẹp của vóc dáng hình hài phải gắn liền song song với cái đẹp của đức hạnh, tư cách, nết na. Loài người có xu hướng vươn tới cái đẹp. Nếu chúng ta chân thật tận cõi lòng, hướng đến chân lý, tìm về nẻo thiện và làm tất cả mọi hạnh lành thì sẽ đạt được vẻ đẹp của cuộc sống. Nhà phật vốn biết chúng sanh luôn ưa chuộng cái đẹp nên mới thị hiện thân tướng của Ngài thật đẹp với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để tiếp cận và tiện bề giáo hóa chúng sanh. Có thể nói, trên thế gian chưa một ai có nhân dáng và hình hài đẹp bằng Đức Thế Tôn. Ngài đẹp cả về vóc dáng, đức hạnh và trí tuệ siêu phàm.

Ví dụ thứ tư là một câu chuyện bên Pháp. Một bà, cùng một lúc, cặp với 3 ông và sinh một bé gái. Sau đó, bà ấy mất trong một tai nạn. Ba ông này thương bé gái, theo cái cách của mình. Một ông rất mô phạm và nghiêm khắc; Một ông thì nghèo hơn, nhưng sẵn sàng dùng đồng tiền cuối cùng để cho bé gái. Can tâm chịu xỉ nhục và oan ức, chỉ để người con trai, mà bé gái con mình thương, để ý đến. Một ông nữa thì thương con bé gái theo kiểu quan tâm quá mức. Đến lúc bé gái xinh đẹp 18 tuổi, thì phải thử ADN của bé gái và 3 ông này, để xác định ai mới là người cha thật sự. Bác sĩ đưa kết quả xét nghiệm cho bé gái. Bé gái xé và nói: “Tất cả là cha của tôi, tôi không muốn mất ai cả”. Đúng là công dưỡng dục cũng sánh bằng công sanh thành và tác tạo. Chúng ta có thể thấy vẻ đẹp hình dáng, thông minh và trí tuệ của cô gái kia.

Ví dụ thứ năm là “cái nết đánh chết cái đẹp”. Cái đẹp thì một hay hai phần, cái nết đến tám hay chín phần. Tôi chỉ bàn về một cái mà rất ít người nghĩ đến. Đó là bạo lực. Tôi cũng không thể nào quen cho bằng được những từ “đánh chết”; hay quảng cáo nước ngọt “đập tan cơn khát”; hay cách dùng từ “nếu ta bắn vào quá khứ bằng một phát súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào ta bằng một phát đại bác”; hay dân gian hay nói “vỗ tay bà cho ăn bánh, không vỗ tay bà đánh trên đầu”; một đất nước đi ra khỏi chiến tranh 1000 năm Bắc thuộc, 100 Pháp thuộc và nội chiến, thì nó phải để lại cái gì chứ. Đó là sử dụng bạo lực trong ngôn ngữ. Biết đó là tàn dư, là quán tính, là chứng tích của chiến tranh loạn lạc, nhưng không hiểu sao, nó tồn tại quá lâu. Phải làm “lành” rồi mới nói đến cái đẹp.

Chân thiện mỹ là chân lý hiện sinh mà mỗi người có thể trải nghiệm ngay trong đời sống hiện tại này. Chân lý ấy là cái chung mà mỗi chúng ta đều có thể vươn tới, vì chân-thiện-mỹ không chỉ dành riêng cho bất cứ một ai. Bởi lẽ, chân thật cõi lòng, hướng đến đời sống thiện lành và đạt được thẩm mỹ thì cuộc sống sẽ đạt được chân lý hiện sinh. Đó chính là lẽ sống mà tất cả chúng ta thường chúc nhau đạt đến Chân-Thiện-Mỹ trong quan hệ giao tiếp hàng ngày.

Ví dụ thứ sáu là có một ông thầy, đại học Hoa Sen, từ nước ngoài về lên giảng đường bận quần đùi. Không biết dạy hay đến thế nào, nhưng theo tôi, cũng không phù hợp với văn hóa, y phục, phong tục Việt. Tôi cũng khó hiểu? Cả cuộc đời đi học của tôi thì không bao giờ quên được thầy Nguyễn Kỉnh Đốc hay thầy Nghiêm Hồng dạy tiếng Pháp bên trường đại học tổng hợp. Thầy bận đồ veston cài măng sét, cravat, chỉn chu. Đôi giày của thầy bóng láng có thể soi gương. Mỗi lần viết bảng, rút cái khăn mu soa ra lau tay. Có hẳn một cây thước dài chỉ trên bảng, mỗi lần giải thích. Dầu thơm của thầy là loại xịn. Thầy vừa đến hành lang, thì nghe thấy mùi dầu thơm. Giảng dạy thì khỏi bàn nữa. Bề ngoài cũng rất quan trọng. Cũng không nên quy định viên chức hay công chức phải bận áo dài. Áo dài Việt đâu phải muốn bận là bận. Phải có dáng, 3 số đo cơ bản và chiều cao. Một người bận cái áo dài xấu thì, cùng một lúc, có 2 điều: gout thẩm mỹ có vấn đề và sống cô đơn. Không có bạn tốt rì rầm mách bảo bên tai là “không nên bận”, hay “áo dài của mày phản chủ lắm”. Chơi toàn bạn xấu. Nó cho chết luôn. Có người cố gắng bó lại, từng khoanh từng khoanh một, như những “đòn bánh tét” tết nguyên đán. Không phải, bánh chưng thì đúng hơn.

——————————————

Phương Tây

Do thần thoại, điêu khắc, sử thi và bi kịch cổ Hy Lạp, thì mới có tư tưởng mỹ học của Platon qua “đối thoại lục” và Aristote qua “tu từ học”.

Baumgarten (1714-1762), kế thừa Worf Leibniz là nhà tư tưởng của chủ nghĩa lý tính, phát hiện ra thế hệ tri thức của con người chỉ mới nghiên cứu sự nhận thức về logic, về ý chí, và luân lý học mà không ngó ngàng gì đến nhận thức cảm tính. Ông cho ra đời môn khoa học mới đó gọi là Aesthetic, tức là mỹ học.

(1) Baumgarten cho rằng đối tượng mỹ học là nghiên cứu sự nhận thức cảm tính hoàn thiện. Dùng phương thức khoa học để nhận thức về cái đẹp là phương thức thấp nhất.

Nhưng nhận thức cảm tính như thế nào là hoàn thiện? Ý kiến của vấn đề nầy có hai phương diện: Phương diện một là, tính duy nhất trong tạp đa, “toàn thể” với “bộ phận” hợp lại thành ý tứ nhất trí. Phương diện hai là, tính bao hàm của ý tưởng có nội dung càng phong phú, càng sinh động, càng cụ thể, càng rõ ràng, như thế là nó càng hoàn thiện, càng đáng là cái đẹp.

(2) Hegel cho rằng, đối tượng của mỹ học là nghiên cứu cái mỹ của triết học nghệ thuật. Thiên nhiên bị loại trừ hẳn. Thế nhưng trong mỹ học Hegel vẫn nghiên cứu cái mỹ của thiên nhiên, tại sao lại có chuyện ấy? Vì ông cho rằng “tâm linh” và “cái mỹ của nghệ thuật” cao hơn thiên nhiên, cái cao hơn ấy lại không phải là thứ tương đối hay là sự khác biệt của lượng. Chỉ có tâm linh là chân thực nhất, và chỉ tâm linh mới bao hàm tất cả. Cho nên tất cả cái mỹ phải tiếp cận với cảnh giới cao hơn mới sinh ra nghệ thuật chân chính. Theo ý nghĩa đó mà nói, thì cái mỹ thiên nhiên chỉ là phản ánh cái mỹ của tâm linh, cái mà nó phản ánh chỉ là một thứ thì hình thái bất toàn.

(3) Chevignon, phê phán mỹ học của Hegel, ông này nhấn mạnh việc nghiên cứu cái mỹ hiện thực. Nhưng ông ta lại cho rằng đối tượng nghiên cứu không nên là mỹ mà là nghệ thuật.