Ngũ uẩn
(The five aggregates)

Trong những nội dung trước, mình cũng lồng ghép ngũ uẩn vào để giải thích. Tuy nhiên, sự lồng ghép đó chỉ giúp để các bạn hiểu được các nội dung khác, chứ chưa hề đề cập đến ngũ uẩn một cách chính thức và đàng hoàng. Ngày hôm nay, cho mình được phép bàn về ngũ uẩn và các ứng dụng của nó trong cuộc sống.

Trong phạm vi của bài viết này, mình sẽ trình bày về ngũ uẩn. Bạn sẽ hỏi ngay ngũ uẩn là gì? Ngũ là năm, mà uẩn là sự tích tụ lại. [Tôi có ghi chữ Kanji để các bạn tiện việc tra cứu]

(1) Sắc uẩn (色) là nhóm yếu tố tạo nên phần vật chất và sinh lý của con người:

Về vật chất: thì gồm có bốn nguyên tố lớn đất, nước, gió và lửa. Bốn nguyên tố này cấu thành con người. Bạn tạm thời vay mượn bốn chất này trong nhân gian trăm năm để tồn tại. Sau đó, bạn sẽ trả lại hết cho nhân gian, người giàu và nghèo giống nhau.

Về sinh lý gồm có năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

Bạn hỏi tôi là năm giác quan này có cố định không? Chắc chắn là không rồi. Tôi có câu chuyện về 40 năm thành lập trường. Ngày kỷ niệm 40 năm thành lập trường, các cựu sinh viên tề tựu về thăm lại trường xưa, các thế hệ sinh viên đàn anh của tôi có nói: “Ngày xưa, thời bao cấp, khổ sở, là sinh viên thèm ăn đủ thứ, hải sản hay sơn hào hải vị, mà không có tiền để mà ăn; thấy các cô gái đẹp, thì muốn làm quen, nhưng không tiền, thì làm sao làm quen được? Bây giờ, thì tụi anh cái gì cũng có, nhà cao, cửa rộng, xe hơi, tiền bạc và địa vị xã hội. Nhưng trong người có cholesterol cho nên không ăn được nữa; thấy các cô gái đẹp thì dư tiền để bao bọc, nhưng khả năng ấy cũng ra đi. Tại sao các thứ nó đến trước, đến sau như vậy? Các thứ cũng hiện hữu ra như một sự trêu ngươi. Các món ăn ngon, các cô gái đẹp, hãy chờ đấy, kiếp sau cho chúng bây biết tay”.

(2) Thọ uẩn (受) là nhóm cảm giác sinh ra do sự tiếp xúc với năm giác quan. Cảm giác có ba loại: hoặc là dễ chịu, hoặc là khó chịu và hoặc là trung tính. Cảm giác thì khác nhau giữa người này và người khác.

Chúng ta thường không có cảm giác giống nhau về cùng một đối tượng. Ví dụ về tác động của một cơn mưa nhẹ đến một cô gái và một chàng trai là khác nhau.

Cô gái dành thời gian trang điểm để đi tiệc sinh nhật bạn. Trên đường đi, cơn mưa nhẹ chợt đến bất ngờ, làm trôi tụt mất phấn trên má và son trên môi. Cô gái ấy lầm bầm: ”Chết tiệt! làm trôi mất son phấn, mất công toi”.

Nhưng cũng cơn mưa ấy đối với chàng trai, như tôi chẳng hạn, những giọt nước mưa làm mát trên mặt và trên môi. Chàng trai mỉm cười và tự nhủ: “Dễ chịu thật! Mát quá! Khoan khoái và sảng khoái thật”.

Các bạn thấy đó, cùng là một cơn mưa nhẹ, mà cảm giác của hai người khác nhau là khác nhau.

Ngay cả cảm giác của chính một người cũng có thể thay đổi theo thời gian và không gian.

Về thời gian, ngày xưa khi đi học, tôi thích cái kính vạn hoa, mà không có tiền mua, mỗi lần mượn của người bán hàng trước cổng trường xem thử, thì cảm giác rất thích thú và thầm ao ước một ngày, mình được sở hữu một cái. Không biết cái gì trong đó, mà chỉ cần lắc một cái là biến đổi. Nhưng bây giờ, thì mình không còn cảm giác ấy nữa, mặc dù sở hữu mấy cái. Như vậy, mình mới hiểu được tâm sinh lý hay sở thích cũng thay đổi theo thời gian.

Về không gian, khi cô Thanh Nga còn sống, tôi được bà ngoại dẫn vào xem cô trình diễn vở “Tiếng trống Mê Linh” ở rạp Kinh Thành, gần chợ Tân Định (bây giờ là nhà sách). Tới cái đoạn tắt hết đèn sân khấu, chỉ sử dụng ánh đuốc. Ánh đuốc hắt ánh sáng lên gương mặt của cô Thanh Nga với vai Trưng Trắc và giọng của cô hùng hồn vang lên: “…nước Nam cẩm tú, người dân Nam anh hùng, trước đền thờ quốc tổ, thề hy sinh để bảo vệ non sông”. Lúc ấy là năm 1979, Trung Quốc đánh các tỉnh biên giới phía Bắc và Cambodia thì tấn công các tỉnh phía Tây Nam tổ quốc. Trái tim thổn thức của tôi như nhảy khỏi lồng ngực và hai hàng nước mắt của tôi đã tuôn rơi lúc nào mà tôi cũng không hề hay biết. Cũng đến đoạn này, nhưng trên truyền hình, một không gian khác, tôi không hề có cảm giác tràn đầy như vậy. Như thế mới hiểu, như thế nào là hiệu ứng sân khấu, hiệu ứng ánh sáng và âm thanh.

(3) Tưởng uẩn (想) là nhóm tri giác, kinh nghiệm trải qua để biết được cả hai đối tượng vật chất và tinh thần.

Về vật chất, thấy lửa biết là nóng, thấy me biết là chua, mà thấy con rắn là sợ hãi.

Về tinh thần, nghe bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy “Ngày xưa Hoàng Thị”, thì có thể hình dung lại tuổi hoa, những buổi tan trường và những cảm xúc của tuổi thơ tràn về, một cách nguyên vẹn.

Bạn có cho rằng tri giác trải nghiệm của bạn là đúng không? Tất cả do nhân duyên hội tụ. Tất cả là ánh trăng đáy nước.

(4) Hành uẩn (行) là phản hồi có điều kiện với những đối tượng của những gì đã trải nghiệm qua. Những sự phản hồi này có những hậu quả luân lý, như có thể tốt (thiện), có thể xấu (ác) hoặc không tốt không xấu.

Hành uẩn bao gồm một số “tâm sở” có tác động mạnh mẽ để hình thành nghiệp như: dục vọng, niềm tin, tinh tấn, tham lam, sân hận, ngu si, kiêu ngạo và tà kiến. Hành uẩn bao gồm mọi hiện tượng tâm lý. Tất cả những hiện tượng tâm lý, sinh lý hiện tại là kết quả trong quá khứ (có thể từ kiếp trước, do tiếc của mà thành con thạch sùng chẳng hạn), nghĩa là hành tạo nên một năng lực tiềm ẩn điều khiển thúc đẩy ở trong chiều sâu tâm thức. Chúng làm nền tảng và lực đẩy để hình thành một năng lực hành mới, dẫn dắt con người đi tới tương lai.

(5) Thức uẩn (識) là khả năng nhận biết trực tiếp các hiện tượng nội giới và ngoại giới. Nhà phật gọi thức uẩn là thức thứ sáu.

Thức uẩn có 6 loại như sau:
(i) ​Nhãn thức (eye consciousness) là cái biết của mắt;
(ii) ​Nhĩ thức (ear consciousness) là cái biết của lỗ tai;
(iii) ​Tỷ thức (nose consciousness) là cái biết của mũi;
(iv) ​Thiệt thức (tongue consciousness) là cái biết của lưỡi;
(v) ​Thân thức (body consciousness) là cái biết của thân thể;
(vi) ​Ý thức (mind consciousness) là cái biết của ý hay tâm về tư tưởng và ý tưởng.

Chúng ta nhận thấy các yếu tố sinh lý và tâm lý của những trải nghiệm cùng nhau liên kết để tạo nên kinh nghiệm cá nhân của mỗi người. Giữa các sự kiện sinh lý và sự kiện tâm lý có ảnh hưởng hổ tương, ví dụ:

Khi nhức đầu, chúng ta khó có thể suy nghĩ một cách rõ ràng.
-Khi sức khỏe bình thường thì suy nghĩ dễ dàng.
-Khi thân thể suy nhược, thì tinh thần dễ sinh buồn chán.
-Như vậy, tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến sự quyết định của ý chí, ý thức.

Vài ví dụ để soi sáng sự liên kết của sắc uẩn (sinh lý) và 4 uẩn thuộc tâm lý như sau:

Ví dụ một: Sáng nay, chúng ta đi bộ băng qua một cánh rừng. Trong lúc đi bộ, đôi mắt của bạn (nhãn căn) tiếp xúc với một vật là đối tượng của mắt (sắc trần). Bạn chú ý vào vật đó, và thức uẩn của bạn tức thì nhận thức được vật ấy. Tưởng uẩn của bạn nhận ra vật ấy là một con rắn (theo kinh nghiệm). Ngay khi đó, bạn liền có phản ứng với vật này (con rắn) bằng thọ uẩn của bạn: bạn cảm thấy sợ sệt. Cuối cùng, bạn phản ứng chống lại vật ấy bằng hành uẩn của bạn: hoặc là với ý định chạy trốn con rắn, hoặc là lượm một cụt đá gần đó để liệng vào con rắn cho nó đi chỗ khác.

Ví dụ hai: Âm thanh của tiếng nói của tôi (thanh trần) và hai lỗ tai bạn (nhĩ căn) là hai yếu tố của sắc uẩn. Thức uẩn của bạn nhận thức được giọng nói của tôi. Tưởng uẩn của bạn nhận biết được những lời nói mà tôi đang nói. Thọ uẩn của bạn thì phản hồi lại lời tôi nói với cảm giác có thể hài lòng hoặc có thể không hài lòng, hoặc không hài lòng cũng không không hài lòng. Rồi hành uẩn của bạn phản hồi lại bằng một phản ứng có điều kiện: hoặc lắng tai nghe tôi nói, hoặc la lớn biểu tôi im ngay.

Nếu bạn chú ý một chút về hai ví dụ bên trên, quy trình tuần tự từ sắc uẩn, thức uẩn, tưởng uẩn, thọ uẩn và hành uẩn.

Nhận xét về năm uẩn của nhà phật (bạn nên đọc các bài vô ngã, vô thường, không và khổ, để có thể hiểu sâu sắc các nhận xét bên dưới)

(1) Bản chất của sắc uẩn (mắt, tai, mũi, lưỡi và thân) là vô thường, vô ngã và chuyển biến bất tận theo lý duyên sinh, vậy bản chất của chúng là không. Sự chấp thủ, tham ái thân thể, chữ thân trong sắc uẩn, hoặc bất cứ một đối tượng vật lý, sinh lý nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ đau khổ. Nhờ thấy rõ thân thể qua phân tích sắc uẩn đưa đến trí tuệ sâu sắc, làm rơi rụng tâm lý tham ái thân thể, chặt đứt sợi dây trói buộc vào sắc uẩn.

(2) Những cảm giác của ta do thọ uẩn (dễ chịu, khó chịu và trung tính) tạo ra thì cũng thay đổi không ngừng. Hôm nay, chúng ta hài lòng với một hoàn cảnh đặc biệt này, nhưng ngày mai chúng ta có thể không còn hài lòng nữa. Tất cả những loại cảm thọ ấy tạo thành một dòng sông cảm thọ tâm lý chi phối hệ thống tâm thức con người. Chúng thay đổi vô chừng, chúng chuyển biến vô tận, vô thường, vô ngã và hiện hữu. Chấp thủ vào cảm thọ bao giờ cũng sai lầm và gặt hái khổ đau.

(3) Những nhận thức về một đối tượng trong một hoàn cảnh do tưởng uẩn (tri giác do kinh nghiệm) đem đến thì cũng thay đổi vì hoàn cảnh luôn luôn đổi thay. Tri giác cũng là vô thường, trống rỗng, do duyên sinh tụ hội.

(4) Tương tự như trên, hành uẩn cũng thay đổi: hành động của chúng ta thì luôn thay đổi đối với một đối tượng cũng luôn thay đổi. Hành uẩn tồn tại nhờ các điều kiện do duyên sinh nên chúng vô thường, trống rỗng và biến động bất tận.

(5) Cũng vậy, thức uẩn cũng thay đổi liên tục: Ý thức về một đối tượng cũng thay đổi theo thời gian và không gian.

Nói tóm lại, ngũ uẩn thì thay đổi liên tục, thì vô thường, do đó ngũ uẩn không có tự tánh tức là không có bản ngã, cho nên thường nói “ngũ uẩn giai không”. Khi ngộ được như thế thì chúng ta sẽ đi đến chỗ giác ngộ.

Do sự phân tích ở trên giúp ta đạt đến một tuệ giác: ý thức này không có bản ngã, không có gì giữ nguyên một tình trạng, một trạng thái mãi mãi. Nhờ vậy, chúng ta sẽ có một thái độ vượt qua được những quấy động của tình cảm về hy vọng và sợ hãi.

– Chúng ta hy vọng được hạnh phúc, và lo sợ sự đau khổ.
– Chúng ta hy vọng thành công, và chúng ta lo sợ thất bại.
– Chúng ta hy vọng được khá giả, và chúng ta lo sợ bị đói khổ.
– Chúng ta sống giữa nỗi hy vọng và nỗi lo sợ.

Nếu chúng ta hiểu rằng hạnh phúc và khổ sở của cá nhân thì biến đổi không ngừng thì chúng ta sẽ vượt bỏ được ý tưởng về cái ngã, về cái sự trường tồn, tức là chúng ta sẽ vượt qua được lòng hy vọng và nỗi lo sợ. Như vậy, chúng ta không còn phải ngụp lặng trong sự hy vọng và nỗi lo sợ, chúng ta sẽ đạt được sự thanh thản, bình an, đạt được an nhiên tự tại trước những thay đổi tất yếu của cuộc đời.

—————————-

Chú thích về cái hình

(1) ngũ ấm chính là ngũ uẩn, một cách gọi khác;

(2) pháp trần là nhớ về 5 loại sắc trần bên trên. [trần là trần gian];

(3) Như huyễn: Có hiện mà thật không hiện, không từ đâu đến, không đi về đâu, không sanh cũng không diệt, chẳng phải thường chẳng phải vô thường… thế nên như huyễn;

(4) nhãn là mắt, nhĩ là tai, tỷ là mũi, thiệt là lưỡi, thân là thể xác và ý là ý tưởng.