[tham khảo từ Trần Trọng Kim, Trương Vĩnh Ký, Trịnh Hoài Đức, Lương Định Của, Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Nguyễn Đình Đầu, Lê Trung Hoa và các học giả phương Nam khác]

Trước đây, khi viết bài Sàigòn tôi yêu, tôi có hứa với các đọc giả thân yêu của tôi là viết tiếp những con đường không có ý nghĩa và sai tên các danh nhân và anh hùng. Hôm nay, nhân lúc trà dư tửu hậu, tôi cũng mạn phép viết. Bài viết chia 4 phần: (1) tên đường vô nghĩa; (2) tên đường sai tên danh nhân và anh hùng; (3) tên đường thiếu tính thẩm mỹ; và, (4) ý nghĩa một số địa danh Sàigòn có thể chúng ta không biết;

(1) Tên đường vô nghĩa

Hàng Sanh (chứ không phải hàng Xanh) (quận Bình Thạnh). Hàng Sanh nằm phía cửa Đông Sàigòn. Con đường này xưa kia trồng những cây sanh. Theo ông Nguyễn Thành Lợi, trong cuốn sách “Sàigòn đất và người” và theo sách “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của nhà ngôn ngữ học Huỳnh Tịnh Của, thì Sanh là thứ cây lớn, nhánh có tua, thuộc về loại cây da và lá nhỏ.

Các lái (chứ không phải Cát Lái) (quận 2). Là nơi các lái buôn, thương buôn tụ tập buôn bán, cho nên gọi Các Lái. Chứ viết là Cát Lái là không có nghĩa.

Gò Vắp (chứ không phải quận Gò Vấp). Là nơi đây là vùng đất cao, có trồng cây vắp (cây thân gỗ rất cứng, thuộc họ măng cụt). Vấp không có ý nghĩa.

Thạnh Đa (chứ không phải Thanh Đa) (quận Bình Thạnh). Trong sách Gia Định Thạnh Thông Chí của Trịnh Hoài Đức và theo sách chuyên khảo về Gia Định (Monograpic de la provine de Gia Định) xuất bản năm 1902 có ghi là thôn Thạnh Đa. Nhưng khi chuyển sang tiếng Pháp thì mất luôn dấu nặng. Bây giờ, hết Pháp thuộc rồi mà không trả lại tên đúng.

Rạch Chiết (chứ không phải Rạch Chiếc) (quận 9). Là cầu nối sông Sàigòn với sông Đồng Nai. Do xưa kia rạch này có nhiều cây chiết, thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn, hay mọc hai bên mé sông, thường ra lá non, có mùi chát chát có thể ăn như rau.

(2) Tên đường sai tên danh nhân và anh hùng trong đất Việt (làm sao học sử đây?)

Sương Nguyệt Anh (1864-1921) (con đường này đã trả lại đúng tên, chứ trước đây là đường Sương Nguyệt Ánh) (quận 1). Con gái thứ năm của Nguyễn Đình Chiểu, có sắc đẹp và tài làm thơ, tên là Nguyệt Anh, góa chồng, cho nên thêm chữ Sương, có nghĩa là góa. Bà là chủ bút tờ báo đầu tiên xuất bản ở Sàigòn 1918, là tờ Tiếng Chuông Nữ Giới.

Nguyễn Văn Chim (1899-1952) (chứ không phải là Nguyễn Văn Chiêm). Con đường 100 mét kết nối giữa đường Hai Bà Trưng và đường Phạm Ngọc Thạch (bên hông nhà văn hóa Thanh Niên). Ông là nhà vô địch quần vợt đầu tiên của Việt Nam. Chim không có ê.

Lương Như Hộc (1420-1501) (chứ không phải Lương Nhữ Học) (quận 5). Ông là quan danh sĩ thời Hậu Lê, có công trong việc truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục (tỉnh Hải Dương ngày nay).

Kha Vạng Cân (1908-1982) (chứ không phải Kha Vạn Cân) (quận Thủ Đức). Ông kỹ sư Kha Vạng Cân, nguyên là bộ trưởng bộ công nghiệp nhẹ đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhân sĩ nổi tiếng của miền Nam, tham gia kháng chiến chống Pháp. Ăn mất chữ g.

Trương Quốc Dụng (1796-1864) (chứ không phải Trương Quốc Dung) (quận Phú Nhuận). Ông là nhà văn, nhà thiên văn và là nhà sử học. Trong lịch sử Việt Nam không có ông nào tên là Trương Quốc Dung. Nuốt mất dấu nặng.

Trần Khát Chân (1370-1399) (chứ không phải Trần Khắc Chân) (quận 1). Theo ông Lê Trung Hoa thì Trần Khát Chân là danh tướng thời nhà Trần.

Tôn Thất Đàm (1864-1888) (chứ không phải là Tôn Thất Đạm) (quận 1). Ông là con trai của Tôn Thất Thuyết, 24 tuổi uống thuốc độc tự tử để tỏ lòng tận trung với vua, khi vua Hàm Nghi bị bắt.

Phạm Văn Tráng (1885 – 1913) (chứ không phải Nguyễn Văn Tráng) (quận 1). Ông là Đảng viên của Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bội Châu. Đổi họ.

Hồ Huân Nghiệp (1829–1864) (chứ không phải là Hồ Huấn Nghiệp) (quận 1). Theo sách địa chí văn hóa TP HCM (1987), ông tự là Thiệu Tiên là một nhà giáo tận tụy, tham gia kháng chiến chống Pháp đầu tiên trên đất Gia Định. Thêm dấu sắc.

Hoàng Đức Lương (chứ không phải Hoàng Đức Tương) (quận 11). Ông đỗ nhị giáp tiến sĩ dưới triều vua Lê Thánh Tông (khoa Mậu Tuất 1478), được bổ chức làm đến Tham Nghị, được cử làm phó sứ sang nhà Minh.

Phạm Văn Hớn (chứ không phải Phan Văn Hớn) (huyện Hóc Môn). Ông là nông dân, giỏi văn võ, chống cường hào và thân Pháp.

Võ Duy Dương (chứ không phải Nguyễn Duy Dương) (quận 5). (chữ Hán: 武維楊; Hán Việt: Vũ Duy Dương; 1827-1866), còn gọi là Thiên Hộ Dương (千戶楊, do giữ chức Thiên hộ), là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862-1866) ở Đồng Tháp Mười, Việt Nam. Tượng Võ Duy Dương hiện còn nằm trong bảo tàng tỉnh Đồng Tháp.

Bùi Hữu Diên (1903-1935) (chứ không phải Bùi Hữu Diện) (quận Bình Tân). Ông là một nhà hoạt động cách mạng, là Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, lớp đầu tiên ở Thái Bình. Ông quê ở thôn Chỉ Bồ, huyện Thụy Anh cũ, nay thuộc xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Thêm dấu nặng.

(3) Tên đường thiếu tính thẩm mỹ

Ngoài ra, cũng phải nghĩ đến việc đổi một số tên đường thiếu tính thẩm mỹ, chẳng hạn như đường Vành Đai Trong, đường Cựu Chiến Binh Không Rác, đường Bờ Bao Tân Thắng, đường Đo Đạc Bản Đồ, đường Kênh Nước Đen.

Đường Điện Cao Thế ở quận Tân Phú (bây giờ là Nguyễn Thế Truyền) (Nguyễn Thế Truyền (1898-1969) là một nhà chính trị người Việt từng hoạt động trong phong trào vận động đòi người Pháp rút khỏi Việt Nam vào đầu thế kỷ 20).

Các con đường mang số trùng nhau; đường ký tự D2, D5, CN1 (Bình Long 1 ngày xưa);

(4) Ý nghĩa một số địa danh Sàigòn

Ngã Năm Chuồng Chó (quận Gò Vấp): Ngày xưa, thì ở đây gọi là Hàng Điệp, từ năm 1954, Pháp xây trại huấn luyện quân khuyển ở đây, nên đổi tên là Ngã Năm Chuồng Chó.

Ngã Tư Bảy Hiền (quận Tân Bình): Theo ông Lê Minh Quốc, trong cuốn “Người Quảng Nam”, thì ngày xưa có ông bảy bán cà phê ở đây tên là Hiền, nên gọi là ngã tư Bảy Hiền. Ông sau này cũng là người giúp trông coi các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu, phu nhân vua Bảo Đại.

Cầu Chà Và (quận tám) là địa danh mà xưa kia người Nam Dương (Indonesia) mua bán, cho nên lấy tên là Java, một địa danh ở Indonesia. Người mình đọc không được, nên nói luôn là Chà Và.

Hốc Môn: Hốc là vùng có những con rạch nhỏ; và môn là cây môn đước.

Thủ Thiêm: Thủ là đồn canh gác và Thiêm là tên của một người cai quản lâu ở đây.

Xa lộ Đại Hàn: Là do công binh của Nam Triều Tiên xây dựng, cho nên gọi là xa lộ Đại Hàn.

Đa Kao là một phường ở quận 1. Nếu bạn tra cứu thì ra là đất hộ. Có ông Nguyễn Dư, ở Lyon, Pháp (2013), giải thích là vùng đó là vùng đất cao, nhưng người Pháp phát âm thành “đa cao”. Lâu ngày thì gọi là Đa Kao. Như vậy, Đa Kao là một chữ xuất phát là thuần Việt. Còn đất hộ thì được dùng trước 1945. Vùng này gọi là vùng haute (cao). Người Việt đọc thành đất “hô”. Sau đó, người ta gọi là đất Hộ.

Cầu Bông: Tá Thiên Nhân hoàng hậu (chữ Hán: 佐天仁皇后, 1791 – 29 tháng 6 năm 1807), tên thật Hồ Thị Hoa (胡氏華) hoặc Hồ Thị Thực (胡氏實), là vợ đầu của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng, vị quân chủ thứ hai của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Bà sinh ra Hiến Tổ Thiệu Trị rồi qua đời sau đó 13 ngày; Bà là người đức tốt nhưng yểu mệnh. Cha chồng là Gia Long hoàng đế rất thương mà ra lệnh kiêng kỵ chữ Hoa trong tên bà, trở thành câu một câu chuyện nổi tiếng, dẫn đến việc đổi tên hàng loạt của các địa danh trong nước, cho đến tận ngày nay.

Thị Nghè: Tên dân gian của bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan Khâm sai Nguyễn Cửu Vân, và là vợ một viên thư ký. Trịnh Hoài Đức viết: (bà) “có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè” (Gia Định thành thông chí, mục “Trấn Phiên An”).

Từ đây về sau, cái gì tôi không biết thì phải tra cứu và hỏi lại, chứ không bao giờ tự chế biến, nhất là lịch sử và văn hóa. Chứ mà giữ tên luôn thì có lỗi với hậu thế và có lỗi với tiền nhân. Mà thay đổi thì hệ lụy kéo theo là hành chính, giấy tờ, khai sinh, khai tử, kết hôn, passport, hộ khẩu, mua bán, cho thuê nhà, đăng ký kinh doanh và vô vàn vấn đề khác nữa. Nhưng quyết tâm sửa thì trong dài hạn sẽ có lợi.