Biên soạn và chịu trách nhiệm: Nguyễn Hoàng Bảo

Khi có một chính sách ban hành, phải tính đến sự (1) đồng thuận của nhân dân (người thực hiện); (2) lợi ích mang lại và (3) chi phí bỏ ra (costs and benefit analysis); (4) phúc lợi xã hội (social welfare) và (5) tính khả thi và tuổi thọ của chính sách này.

(1) Đồng thuận của người dân

Khi một chính sách ban hành phải có

– Một ban soạn thảo văn bản;

– Đưa cho nhân dân tham gia thảo luận, góp ý, phản biện. Liệu có trường hợp nào ngoại lệ, đặc biệt. Có một số hiệu chỉnh để phù hợp với đặc thù từng địa phương;

– Công bố toàn xã hội về thời gian bắt đầu thực hiện;

– Nguồn lực thực hiện, bao gồm cảnh sát giao thông, lực lượng công an phường/xã, trật tự cơ động, hình sự và khác.

Mục thứ 2 mà không sử dụng, thì chính sách này là chính sách từ trên xuống (top-down policy). Mục thứ 2 mà làm nghiêm túc thì là chính sách từ dưới lên (bottom-up policy).

Chính sách từ trên xuống từ các chuyên gia tư vấn giỏi, các nhà chính trị có tâm và bộ máy thực hiện chuyên nghiệp và tinh nhuệ, thì quốc gia ấy có phúc phần. Còn ngược lại, thì là tai họa đối với nhân dân.

(2) Lợi ích mang lại từ chính sách

– Giảm tai nạn giao thông;
– Bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
– Giảm ùn tắc giao thông;
– Phát hiện tội phạm;

(3) Chi phí từ chính sách

– Chi phí làm thêm giờ, làm thêm ca của cảnh sát giao thông;

– Chí phí phát sinh cho toàn bộ lực lượng công an phường/xã, trật tự cơ động, hình sự và khác;

– Chi phí soạn thảo và công bố áp dụng chính sách;

(4) Phúc lợi xã hội từ chính sách

Vì thời gian áp dụng còn vài chục tiếng đồng hồ nữa, không có thời gian thu hồi lại chính sách. Thu hồi lại chính sách thì còn gì là sự tôn nghiêm của pháp luật và thể chế. Tôi chỉ có ý kiến cho những chính sách khác trong tương lai:

(i) Chính sách cũng nên từ dưới lên để có sự đồng thuận xã hội, ngay cả chính sách ấy từ những chuyên gia thông minh và từ các nhà chính trị có tâm;

(ii) Gần 100 triệu dân, nhưng chỉ vì một vài người buôn ma túy, hàng lậu, hàng cấm, xe gian, mà chận mọi người lại khi cần thiết mà xét hỏi; Lẽ ra chính sách nên cho chạy thử từ 1 đến 3 tháng, xem có tỷ lệ vi phạm như trên bao nhiêu phần trăm, tỷ lệ xét hỏi người vô tội bao nhiêu phần trăm. Không nên vì vài người mắc bệnh bắt toàn xã hội uống thuốc; tôi xin phép bổ sung ý kiến là có dưới 1% dân số là vi phạm, chúng ta làm luật cho 100% dân số, thì ngay lập tức 99% dân số vô tội chịu tác động hiệu chỉnh từ luật này. Chuyện này giống như trong lớp có một em nói chuyện, cô giáo bỏ lớp, không dạy nữa.

(iii) Thời điểm áp dụng chính sách có phù hợp không?

Cả nước đã và đang trải qua thời gian giãn cách xã hội khắc nghiệt, một sự giãn cách mà chưa từng bao giờ bắt gặp trong lịch sử. Tác động tâm lý đến với người dân, doanh nghiệp và kể cả nhà nước, chưa kịp hồi phục, cân bằng, ổn định, đó là chưa nói về kinh tế, thì bây giờ, ngay lúc này, lại đi chặn xe, xét hỏi toàn xã hội. Chuyên chế trong chống dịch là quá tốt, nếu không muốn nói là tấm gương, là hệ quy chiếu cho thế giới noi theo, nhưng không phải lúc nào cũng đúng, đặc biệt trong trường hợp này.

Nên nhớ rằng tốc độ của lưu thông là tốc độ phát triển và khôi phục kinh tế. Mỗi một chiếc xe trên đường là một giao dịch kinh tế (economic transaction), kết nối kinh tế (economic connection) và mạng lưới kinh tế (economic network) kiến tạo và củng cố lại, mà trước đây đã gãy đổ. Bạn mà làm chậm nó lại thì gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế, về tiền bạc và về thời gian.

Tôi chưa kể đến vấn đề lợi ích nhóm từ chính sách, bảo hiểm xe, dịch vụ giấy tờ và khác.

(5) Tính khả thi và tuổi thọ chính sách

Đường phố đông đúc trở lại, con người được đi lại một cách “hạnh phúc”, sau những ngày giãn cách xã hội, giờ phải đối mặt thẳng thừng với những “tiếng còi” giữa cơn nóng bức của mùa hè oi ả. Chỉ số phúc lợi của người dân vô tội (happiness index) giảm đi nhanh chóng.

Bây giờ, luật đã ban hành, tôi là công dân phải chấp hành. Tuy nhiên, nếu có ban hành gì đó nữa, nhớ kêu mấy đứa học trò tôi ở đây nó góp ý. Tụi nó trẻ, thông minh, năng động, năng lượng và được đào tạo về chính sách một cách bài bản lắm.