Ứng dụng chủ nghĩa khắc kỷ để sống tích cực trong khủng hoảng
(How to apply stoicism to possitively live in crisis)

Gần đây, một số cựu sinh viên và kể cả sinh viên đang học, bạn bè và người thân của tôi phá sản, thất nghiệp, cảm xúc, tuyệt vọng, trầm cảm. Cũng ít nhất hơn một chục người có liên lạc với tôi. Tôi đã đào bới một triết lý, thế kỷ thứ ba trước công nguyên, viết dưới dạng ứng dụng, với một hy vọng nhỏ nhoi, là liệu có giúp gì cho tụi nó hay không.

(1) Giảm ham muốn

Ham muốn của con người tăng dần. Khi sinh ra, thì bé muốn sở hữu đồ chơi (lạc sở hữu). Khi lớn hơn một chút thì chúng ta bắt đầu ham muốn vật chất (tiền bạc, nhà cửa, đất đai, xe hơi, hàng hiệu) và ham muốn phi vật chất (địa vị, quyền lực, danh vọng, dục vọng).

Các ham muốn này tăng lên về số lượng và chất lượng, thì hạnh phúc cũng theo đó mà tăng. Điều này đúng, là khi có hai người cùng cảnh ngộ nghèo khổ và đói bụng, người này không xin ăn được gì, trong khi đó, thì người kia xin được một ổ bánh mì nóng, giòn, thơm phức. Dĩ nhiên, người kia sẽ hạnh phúc hơn.

Cái ta “muốn” thì không biên giới, vô giới hạn, mà dân gian gọi là lòng tham không đáy. Cái ta “cần” để sống an nhiên thì rất ít, ở mức chống đỡ, vừa đủ.

Cái ta “muốn” thì xuất phát từ lòng tham, nó kiến tạo cái bản ngã. Cái ta “cần” thì xuất phát từ sinh tồn.

Cái mà gây cho ta đau khổ và bất hạnh nằm ở chỗ cái ta “muốn”, chứ không phải cái ta “cần” vốn ít ỏi.

Sự giàu có không nằm ở chỗ cái có nhiều, mà nằm ở chỗ cái “muốn” ít.

(2) Cái không điều khiển và cái điều khiển được.

Nếu bạn đau khổ từ ngoại cảnh, đó là suy nghĩ và phản ứng của bạn. Bạn có thể nhanh chóng rút lại suy nghĩ và phản ứng này.

Ví dụ (i) người tình đã bỏ bạn; (ii) bạn bị cướp mất sợi dây chuyền; (iii) bạn soi gương thấy mình già nua; (iv) bạn đang ăn mà suy nghĩ tuần sau phải xin việc làm; (v) bạn bị tai nạn gãy mất một chân; và (vi) bạn bị oan mà không đưa ra được một bằng cớ ngoại phạm nào. Vụ vu oan từ người bạn thân nhất.

Đứng trước những tình huống như vậy, bạn suy nghĩ và phản ứng như thế nào?

Chủ nghĩa khắc kỷ đòi hỏi chúng ta phải lô gích và lý tính trong từng suy nghĩ và phản ứng, hơn là cảm xúc. Cảm xúc lúc vui, lúc buồn, lúc lo lắng, lúc tức giận, lúc sợ hãi. Thật đáng không tin cậy.

Bạn phải hiểu rằng ngoại cảnh thì bạn không điều khiển được. Bạn ôm cái “muốn” của bạn vào cho thật nhiều, rồi bạn đau khổ. Đau khổ mà không giải quyết được, bạn chọn con đường tự tử. Tôi có nhiều bạn tự tử theo cái cách này. Những cái chết thật ngu ngốc và lãng nhách.

Những người bạn tự tử của tôi đâu có nói gì cho tôi nghe đâu mà giúp nó? Nếu tại thời điểm nó nói cho tôi nghe hết cái “muốn”, thì trí khôn của tôi cũng chưa chắc như bây giờ mà giúp nó? Lúc ấy tôi không biết chủ nghĩa khắc kỷ là cái quỷ quái gì? Mà lỡ không có cái trí, thì nguồn lực của tôi, lúc bấy giờ, không biết đủ để đáp ứng được cái “muốn” bao la của nó không nữa?

Mà thế giới ngày nay điều khiển ta ngày càng nhiều hơn là ta điều khiển nó. Tôi muốn chạy vào karaoke mà hát “tôi ơi đừng tuyệt vọng” mà có được đâu trong giai đoạn cách ly xã hội này.

Tôi xin phép trả lời từng tình huống nêu ra ở trên, theo suy nghĩ và phản ứng của chủ nghĩa khắc kỷ. Phải dùng lý tính và lô gích

(i) “Người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”. Bạn không thể điều khiển người tình quay trở lại. Chuyện ấy nằm ngoài khả năng của bạn. Coi như có duyên không có nợ. Hay kiếp trước bạn nợ người ta, kiếp này lên gặp lại, người ta đòi lại. Thứ nhất, bạn nên chúc người ta hạnh phúc hơn, may mắn hơn ở quãng đời còn lại. Thứ hai, bạn bày tỏ lòng biết ơn chân thành với những gì mà người ta đã làm cho bạn trong thời gian vừa qua. Thứ ba, bạn nên nhắc người những khiếm khuyết của họ khi sống chung với bạn (em đừng thức khuya, nhớ nghỉ trưa một chút, cái bục nhà tắm anh đóng lại cho em rồi và những cái khác). Điều cấm kỵ là bạn không nên có “lời đắng” cho người tình, mà để làm gì chứ?

(ii) Bạn bị cướp sợi dây chuyền. Tên trộm quá nhanh và quá nguy hiểm. Bạn không thể điều khiển tên trộm mang dây chuyền trả lại cho bạn. Thông thường, bạn la to, rượt theo hay tức giận, chửi thề và buồn bã. Buồn bã vì bạn ôm cái “muốn” dây chuyền trở lại và thế là đau khổ một cách tự nhiên. Ồ không, bạn chỉ mất vỏn vẹn một sợi dây chuyền, trong khi đó, tên trộm đã mất toàn bộ phẩm giá của một con người. Bạn lấy cái đầu duy lý của bạn ra suy nghĩ thử xem, là ai mất nhiều hơn ai? Bạn hay tên trộm. Chi bằng ngày mai mua lại dây chuyền khác rẻ tiền hơn và không mang ra chốn đông người.

Kế đến nữa, dân gian có câu “của đi thay người”. Lần sau, bạn có mất gì đó, bạn nhớ mời tôi đến chung vui với bạn, vì bạn còn sống sót. Hơn nữa, dây chuyền của bạn có mất đi đâu, chỉ chạy lòng vòng trong cái nước Việt Nam mình, chỉ thay đổi sở hữu. Bạn biết không, có người trúng xổ số là đi làm từ thiện vì người ấy gom hết biết bao nhiêu cái xui xẻo của thiên hạ làm phần thưởng cho mình.

(iii) Bạn soi gương thấy mình già nua rồi khóc. Bạn khóc vì cái “muốn” phi lý của bạn là trẻ hoài, trẻ dai. Bạn không hề điều khiển được quá khứ và tương lai. Bạn có thói quen tiếc nuối quá khứ và lo lắng ở tương lai. Tất cả điều đó hoàn toàn vô ích. Điều gì xảy ra với bạn, cũng sẽ xảy ra với mọi người. Tuy nhiên, bạn điều khiển hoàn toàn ở hiện tại, bằng tinh thần, bằng thể xác, lý trí và năng lượng của bạn ở hiện tại. “Sinh, trụ, dị, diệt” là quy luật của tự nhiên và “Sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của người đời. Các quy luật này, dù muốn dù không, bạn phải chấp nhận. Bạn khóc vì bạn ngu ngốc, ôm cái khách quan của quy luật làm cái chủ quan của bạn.

(iv) Bạn đang ăn, mà suy nghĩ tuần sau phải kiếm việc làm. Như vậy, thể xác và tinh thần tách rời. Bạn sẽ đau khổ, vì hiện tại bạn chưa làm cái gì đó cho tuần sau. Lẽ ra, bạn ăn bằng tinh thần và thể xác, để có thể cảm lấy tất cả các vị của thức ăn. Bạn phải sống ở hiện tại, một cách hoàn hảo nhất có thể (fully present). Trong tiếng Anh chữ present là sự có mặt, sự hiện diện, sự hiện hữu; thì nó còn có một cái nghĩa nữa, đó là món quà. Món quà mà thượng đế ban tặng cho bạn khi bạn có mặt hoàn hảo nhất, tinh thần và thể xác.

(v) Bạn bị tai nạn gãy mất một chân. Bạn đau khổ vì không đi dancing với tôi nữa. Bạn ngồi một chỗ và trầm cảm. Vậy tôi hỏi bạn, bạn có kiểm soát được tai nạn không? Bạn ôm cái “muốn” dancing hay đi, chạy, nhảy, múa vào cái tôi của bạn, rồi bạn đau khổ. Bạn phải tách cái “muốn” này ra, tách cái “không kiểm soát” này ra và suy nghĩ và phản ứng lại. Thế giới cho bạn như vậy. Có người còn tệ hại hơn bạn, nhưng với chủ nghĩa khắc kỷ, đã thay đổi họ thành tài năng.

(vi) Bạn bị vu oan bởi người bạn thân. Cái không kiểm soát là “cái lòng hay bụng dạ” con người. Bạn “muốn” bụng dạ người bạn thân của bạn giống như bụng dạ con chó nhà bạn chắc? Tôi có một người thầy đã hiểu sai và oan cho tôi. Tôi thì không giải thích. Mà tôi với thầy ấy ít nói chuyện. Cho đến một ngày, hơn chục năm sau, thầy nói chuyện cũ và tôi kể lại. Thầy nói là: “tại sao mày không nói ra. Tao hiểu sai mầy”. Tôi nói:”Dù lớp bụi thời gian, có dày thêm nữa thì tấm lòng đối với thầy vẫn nguyên vẹn”. Tôi không quen phải giải thích. Thời gian sẽ trả lời. Chuyện của tôi cũng là gì so với chuyện quan âm Thị Kính, làm cho người ta có bầu, bị đánh cho đến chết mà cũng không mở miệng. Đến khi tắm rửa ngọc thể để khâm liệm, thì mới biết là con gái.

Cái lúng túng của chúng ta là không suy nghĩ duy lý tức thời để phân định cái nào điều khiển được và cái nào không điều khiển. Cứ ghép trọn vẹn hết vào cái điều khiển được, lồng ghép cảm xúc mãnh liệt vào mà không lý tính; rồi lo lắng, đau khổ, run sợ, hoảng loạn, thất vọng và trầm cảm. Đứng trước tình huống đó bạn phải thay đổi suy nghĩ và phản ứng, một cách thông minh nhất có thể.

Ngoài ra, chủ nghĩa khắc kỷ còn nội dung sống thuận theo lẽ tự nhiên, tức là sống phù hợp với bản chất con người và phù hợp với thế giới xung quanh chúng ta.